Giảm sức nóng của tỷ giá, cách nào?

(BĐT) - Cùng với đà tăng của USD trên thị trường thế giới, dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng là nguyên nhân đáng chú ý khiến tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Giới nghiên cứu cho rằng, đà tăng của tỷ giá chưa đến mức quan ngại, song cần tính toán các kịch bản biến động tỷ giá để lựa chọn cách thức điều tiết cung cầu tiền tệ đúng thời điểm và liều lượng, bảo đảm thị trường vận hành hiệu quả, hạn chế tác động bất lợi đến doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong cả năm 2023, tỷ giá USD/VND tăng 5% là mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh cần duy trì chính sách lãi suất tương đối thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Trong cả năm 2023, tỷ giá USD/VND tăng 5% là mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh cần duy trì chính sách lãi suất tương đối thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá USD/VND trung tâm ở mức 24.088 đồng, mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay và ghi nhận mức tăng 2% tính từ đầu năm đến nay. Tại Ngân hàng Vietcombank, giá USD bán ra được niêm yết ở mức 24.590 đồng, tăng 50 đồng so với ngày 27/9 và tăng 3,6% so với đầu năm nay.

Trên thị trường thế giới, với lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao để chống lạm phát, chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh đồng USD, đã tăng 0,3% trong phiên giao dịch đầu tuần, vượt ngưỡng 106 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang “đau đầu” vì tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian qua. Hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu trở lại nên phải tăng tốc nhập khẩu nguyên vật liệu. Đồng USD tăng giá khiến giá nguyên vật liệu tăng vọt và khả năng thua lỗ hoặc mất lãi là rất cao. “Nhiều doanh nghiệp đã tính đến các phương án dự phòng rủi ro tỷ giá, song mức biến động thực tế lên đến 4% là quá mạnh. Cần tính đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp, bởi nếu tỷ giá USD/VND tăng vượt 5% thì nhiều doanh nghiệp sẽ “liêu xiêu” ngay cả khi bán được hàng”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, có nhiều yếu tố khiến tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng trong những ngày gần đây. Trước hết, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường thế giới, đã lên mức cao nhất tính từ năm ngoái đến nay. Bên cạnh đó, có thể thấy rõ tình trạng thừa vốn trên thị trường liên ngân hàng khiến lãi suất VND trên thị trường này giảm mạnh xuống mức gần 0% trong khi lãi vay đồng USD lại ở mức cao từ 4 - 5%, dẫn đến xu hướng đầu cơ tỷ giá của các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng vay VND với lãi suất thấp hoặc sử dụng VND dư thừa để mua USD và cho vay lại với lãi suất cao vừa hưởng lợi về chênh lệch lãi suất, vừa hưởng lợi từ đồng USD tăng. Để hạn chế tình trạng này, NHNN đã phát hành một lượng lớn tín phiếu trong thời gian gần đây để hút tiền về nhằm giảm việc dư thừa nguồn tiền trên thị trường liên ngân hàng.

Ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá USD/VND trung tâm ở mức 24.088 đồng, mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Ảnh: Nhã Chi

Ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá USD/VND trung tâm ở mức 24.088 đồng, mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Ảnh: Nhã Chi

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng nhà đầu tư nước ngoài rút một phần vốn đang đầu tư bằng VND, chuyển sang USD khi lãi suất USD cao và lãi suất VND thấp. Hơn nữa, thời điểm hiện nay lượng đơn hàng xuất khẩu tăng khiến nhiều doanh nghiệp tăng nhu cầu về USD để nhập hàng, gây áp lực tăng giá đồng USD.

Tuy nhiên, theo ông Huân, chưa cần thiết can thiệp vào tỷ giá bằng việc bán ra đồng USD từ nguồn dự trữ ngoại hối, bởi ước tính, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức khoảng 88 tỷ USD, chỉ tương đương 10 tuần nhập khẩu. Đây không phải là con số “dư dả”. Đáng chú ý, áp lực tỷ giá USD/VND chủ yếu mang tính mùa vụ và ngắn hạn nên việc can thiệp ở thời điểm này bằng dự trữ ngoại hối sẽ mang lại hiệu quả không cao. Trong khi đó, có một số yếu tố có thể hỗ trợ tích cực cho việc giảm đà tăng của tỷ giá đó là đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút mạnh hơn nguồn kiều hối dịp cuối năm. Ở khía cạnh khác, việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa đến mức đáng quan ngại khi từ đầu tháng 9/2023 đến nay, khối ngoại bán ròng 3.000 tỷ đồng trên TTCK.

“Cần tính đến các kịch bản biến động của tỷ giá để có các phương án ứng phó phù hợp. Trong cả năm nay, tỷ giá USD/VND tăng 5% là mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh cần duy trì chính sách lãi suất tương đối thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau đó, thị trường ngoại hối sẽ tự điều tiết theo cung cầu ngoại tệ khi có các yếu tố thuận lợi”, ông Huân nói.

Xem xét việc điều hành thị trường ngoại hối của NHNN từ động thái phát hành tín phiếu trên thị trường mở, nhóm nghiên cứu của SSI Research cho biết, trong 5 ngày làm việc liên tiếp vừa qua, NHNN đã phát hành tổng cộng 70 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Công cụ chính sách tiền tệ này được thực hiện nhằm điều tiết bớt một lượng thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn - là một phần trong nỗ lực nhằm giảm mức chênh lệch lãi suất VND và USD và từ đó hạn chế hoạt động đầu cơ trên thị trường.

Mức chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa đồng VND và USD gần 5 điểm % là khá lớn khiến các ngân hàng tăng mạnh nhu cầu nắm giữ đồng USD hơn đồng VND. Động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể giúp điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, từ đó kỳ vọng đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND. Thông qua nghiệp vụ này, NHNN có thể đánh giá mức độ dồi dào của thanh khoản trên hệ thống và điều chỉnh mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để cân đối áp lực tỷ giá và hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất của các định chế tài chính với doanh nghiệp và người dân.

Chuyên đề