Giảm hợp tác với Mỹ, Philippines vẫn chưa nhận tín hiệu thiện chí từ Trung Quốc

Tổng thống Duterte liên tiếp đưa ra những tuyên bố sẽ giảm hợp tác an ninh với Mỹ, nhưng chưa rõ việc này đảm bảo được lợi thế của Philippines trong tranh chấp Biển Đông.
Bãi cạn Scarborough của Philippines bị Trung Quốc chiếm giữ từ 2012. Ảnh: AFP
Bãi cạn Scarborough của Philippines bị Trung Quốc chiếm giữ từ 2012. Ảnh: AFP

"Vẫn còn quá sớm để biết quan hệ thân thiết hơn giữa Manila và Bắc Kinh có thực sự giúp Philippines bảo đảm các yêu cầu của mình ở Biển Đông hay không. Trung Quốc chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ trả lại bãi cạn Scarborough cho Philippines", Tiến sĩ Enrico Fels, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Bonn, Đức, đưa ra nhận định với VnExpress.

Bộ Quốc phòng Philippines hôm 7/9 công bố các hình ảnh tàu Trung Quốc đi vào Scarborough, khẳng định các tàu này có khả năng hút cát và thực hiện các hoạt động khác để xây đảo nhân tạo. Bắc Kinh sau đó lên tiếng xác nhận điều các tàu hải cảnh đến Scarborough để "tuần tra thực thi pháp luật" nhưng phủ nhận ý định xây dựng bãi cạn. Scarborough là khu vực đánh cá truyền thống của Philippines, là điểm nóng tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc chiếm giữ hồi 2012.

Tổng thống Philippines Duterte hôm 28/9 tuyên bố cuộc tập trận chung giữa Manila và Washington diễn ra vào đầu tháng 10 sẽ không lặp lại, khi ông gặp gỡ cộng đồng người Philippines đang làm việc tại Việt Nam.

Ông Duterte nói đó sẽ là "cuộc tập trận cuối cùng", vì Trung Quốc không hài lòng với các hoạt động này, trong khi ông đang muốn thiết lập liên minh mới về thương mại. Cuộc tập trận với Mỹ dự kiến diễn ra từ ngày 4/10 đến 12/10 trên các đảo Luzon và Palawan của Philippines. Cuộc tập trận đổ bộ, bắn đạn thật lần này có khoảng 1.400 lính Mỹ đóng tại căn cứ Okinawa, Nhật Bản, và 500 binh sĩ Philippines cùng tham gia.

Tiến sĩ Fels đánh giá việc Tổng thống Philippines theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập, giảm rủi ro trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, có thể là điều tốt khi xét về địa lý gần gũi giữa Manila và Bắc Kinh. Tuy nhiên ông Duterte cũng phải có những nỗ lực phòng trường hợp Manila mất hết lợi thế khi "mặc cả" với Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, theo Tiến sĩ Fels, mối quan hệ thân thiết hơn giữa Philippines với Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng. Khi đến thăm chính thức Việt Nam hôm 29/9, Tổng thống Duterte và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã dành ưu tiên cho thảo luận về tình hình Biển Đông trong chương trình nghị sự.

Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhắc đến phán quyết của Toà trọng tài quốc tế phủ nhận yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc. Hai bên cũng kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Ông Duterte và Chủ tịch nước Việt Nam cũng kêu gọi các bên ở Biển Đông kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không. Việt Nam và Philippines cam kết tiếp tục phối hợp, nỗ lực cùng các nước ASEAN khác đề cao đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Theo chuyên gia Fels, hợp tác Việt Nam và Philippines ở Biển Đông có thể giúp tăng cường các giải pháp đa phương cho tranh chấp.

"Hợp tác sẽ giúp các nước nhỏ hơn thúc đẩy việc bảo vệ lợi ích của mình trước các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ. Tất nhiên hai bên phải tìm được tiếng nói chung và cùng chia sẻ lợi ích. Điều đó cũng giúp tăng cường sự thống nhất trong ASEAN và các thành viên tránh bị mắc kẹt hoặc bị chia rẽ bởi các nước lớn", ông Fels nói. 

Chuyên đề