Giảm hiệu ứng bất lợi từ việc Fed tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đợt tăng lãi suất điều hành mới đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) với mức tăng 0,75 điểm phần trăm và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với mức tăng 0,5 điểm phần trăm gây quan ngại về những hiệu ứng bất lợi với kinh tế Việt Nam. Do đó, giới phân tích cho rằng, cần các giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là sự phối hợp tích cực và hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành sẽ gây sức ép tăng tỷ giá USD/VND. Ảnh: Nhã Chi
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành sẽ gây sức ép tăng tỷ giá USD/VND. Ảnh: Nhã Chi

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, đợt tăng lãi suất tiếp theo này của Fed và các ngân hàng trung ương lớn sẽ gây khó cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo đó, tỷ giá USD/VND có thể sẽ tiếp tục tăng, có lợi cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu và kéo theo việc nhập khẩu lạm phát. Trong khi đó, lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam sẽ khó tránh khỏi xu hướng tiếp tục tăng. Trong trường hợp mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp thì có thể sẽ có một dòng tiền rút khỏi Việt Nam để đến với thị trường tài chính của Mỹ và các nước châu Âu.

“Để ứng phó với các hiệu ứng bất lợi, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp tài khóa và tiền tệ để giữ ổn định vĩ mô và an toàn hệ thống tài chính. Nên tính đến việc tăng lãi suất điều hành ở mức hợp lý để có thể kiểm soát lạm phát một cách thuận lợi hơn, đồng thời không đẩy mặt bằng lãi suất lên quá cao”, ông Hiếu nói.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, thách thức lớn nhất từ việc Fed tăng lãi suất là gây sức ép tăng tỷ giá USD/VND. “Để ứng phó với việc này, từ đầu năm đến nay, NHNN đã áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp, trong đó có việc bán ngoại tệ nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào. Trong thời gian tới, NHNN sẽ phải cân nhắc thận trọng hơn để tránh bị soi xét vào danh sách thao túng tiền tệ”, ông Linh nói.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, điểm đáng quan ngại hiện nay là mặt bằng lãi suất đang tăng dần, sức ép thanh khoản khiến các ngân hàng tăng lãi suất. Chi phí vốn tăng sẽ giảm hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Mặt khác, rủi ro lạm phát tăng cao và tác động có “độ trễ” từ việc các nền kinh tế lớn suy giảm dẫn đến giảm cầu tiêu dùng cũng là những thách thức không nhỏ của nền kinh tế.

Dù vậy, Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng đáng chú ý, trong đó nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế giữ ở mức tích cực và được dự báo sẽ rất khả quan trong thời gian tới. Đồng thời, Chính phủ rất nỗ lực điều hành với phương châm ổn định kinh tế vĩ mô và thực tiễn đã làm được rất hiệu quả. Đây là điểm hấp dẫn khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn ở mức cao trong những tháng qua.

“Trong thời gian tới, “dư địa” thực hiện chính sách tiền tệ khá hạn hẹp. Chính sách tài khóa cần tiếp tục phát huy tích cực hơn, chẳng hạn đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng để giảm bớt gánh nặng chi phí vốn của doanh nghiệp khi mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động và nỗ lực vượt khó, chẳng hạn chủ động mở rộng các kênh huy động vốn thay vì chỉ trông cậy vào vốn tín dụng. Cần có sự chung tay của cả các cơ quan điều hành và doanh nghiệp để vượt qua các thách thức của nền kinh tế”, ông Linh nhấn mạnh.

Tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ngày 8/8, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, dự kiến đạt mức tăng trưởng 7,5% năm 2022, 6,7% năm 2023 và 6,5% năm 2024.

Theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, dù dự báo tăng trưởng ở mức cao như vậy song vẫn nhận diện còn nhiều rủi ro và thách thức từ bên trong và bên ngoài, cần có chính sách điều hành và ứng phó thận trọng nhưng linh hoạt và sẵn sàng hàng động.

Về chính sách tài khóa, Việt Nam còn không gian tài khóa và nên điều hành theo hướng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, giảm những ách tắc về thủ tục hành chính để các chính sách hỗ trợ đến nhanh với đối tượng thụ hưởng, góp phần phục hồi kinh tế mạnh mẽ.

Về chính sách tiền tệ, bà Dorsati Madini nhấn mạnh, nhờ lạm phát được kiểm soát ở mức khá thấp nên chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn phù hợp. Nếu rủi ro xảy ra, khi lạm phát có dấu hiệu vượt quá 4% thì Chính phủ cần cân nhắc thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất, thắt thanh khoản. Tuy nhiên, nếu NHNN áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ thì cần truyền thông rõ ràng để tránh bất ngờ, tránh gây cú sốc cho thị trường.

Chuyên đề