Một nhà máy lọc dầu của Nga - Ảnh: Andrey Rudakov. |
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, xuống mức thấp nhất nửa tháng, sau khi Nga phát tín hiệu có thể sẽ tăng dần sản lượng khai thác dầu.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giảm 1,13 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 70,71 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 11/5, theo số liệu của FactSet.
Tại thị trường London, giá dầu Brent chốt phiên với mức giảm 1,01 USD/thùng, tương đương giảm 1,27%, còn 78,79 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu Brent trong vòng hơn 1 tháng, tờ Wall Street Journal cho hay.
Tính đến ngày thứ Năm, giá dầu thế giới đã có ba phiên giảm liên tiếp.
Sau khi duy trì việc hạn chế sản lượng cùng với Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) kể từ năm 2017, Nga ngày 24/5 nói ẩn ý rằng sắp tới nước này có thể sẽ nâng dần mức khai thác "vàng đen".
"Giá dầu đang bắt đầu giảm xuống một chút", chiến lược gia trưởng thị trường Greg McKenna thuộc công ty môi giới hợp đồng tương lai AxiTrader phát biểu. Ông McKenna cho rằng việc giá dầu đi xuống này là do OPEC và Nga "có những động thái tiến tới quyết định tăng sản lượng tại cuộc họp vào tháng 6".
Xu hướng giảm của giá dầu kéo dài sang buổi sáng ngày thứ Sáu. Lúc hơn 7h sáng theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 1 cent so với đóng cửa phiên hôm qua, còn 78,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2 cent, còn 70,69 USD/thùng.
Giá dầu Brent hiện đã hạ hơn 2% so với mức đỉnh của 3 năm rưỡi là mức 80,5 USD/thùng thiết lập hôm 17/5. Giá dầu Brent lần đầu tiên vượt 80 USD/thùng sau gần 4 năm vào đầu tháng này.
Thời gian gần đây, giá dầu tăng mạnh do lo ngại nguồn cung thắt chặt. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cung-cầu dầu thế giới đã gần cân bằng nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC và Nga.
Ngoài ra, những lo ngại về tình hình Iran và Venezuela, hai thành viên OPEC, cũng đẩy giá dầu lên. Iran thì bị Mỹ tái áp lệnh trừng phạt sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Sản lượng dầu lửa của Venezuela thì sụt giảm mạnh do cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị-xã hội nghiêm trọng.
OPEC và một số đối tác ngoài khối, bao gồm Nga, bắt đầu hạn chế sản lượng dầu từ đầu năm 2017 đến nay nhằm thắt chặt nguồn cung, đẩy giá dầu lên.
Mặc dù vậy, Nga gần đây đã để ngỏ khả năng kết thúc việc hạn chế sản lượng này. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 25/5 nói rằng việc hạn chế sản lượng khai thác có thể được nới lỏng một chút nếu OPEC và các đối tác ngoài khối nhận thấy thị trường đã cân bằng cung-cầu trong cuộc họp diễn ra vào tháng 6.
"Tôi có cảm giác như Nga luôn muốn tăng sản lượng ngay khi lượng dầu tồn kho trên toàn cầu trở về mức cân bằng và giá dầu tăng trở lại. Điều này có lẽ đang ngự trị trong tâm lý của các nhà giao dịch, và giá dầu bắt đầu giảm như một hệ quả tất yếu", ông McKenna nói.
Trong phiên ngày thứ Năm, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ thống kê của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho của nước này bất ngờ tăng vào tuần trước.
Theo dữ liệu công bố hôm thứ Tư, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 18/5 tăng 5,8 triệu thùng, so với mức dự báo giảm 1,6 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tồn kho dầu của Mỹ tăng được cho là do nhập khẩu ròng dầu của nước này tăng.