Giải ngân vốn đầu tư công: Nơi chuyển biến tích cực, nơi vẫn ì ạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục họp giao ban trực tuyến với các địa phương về giải ngân đầu tư công. Sau Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 7/2020, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực, tuy nhiên, trên cùng một mặt bằng chính sách, vẫn còn sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ giải ngân giữa các bộ, ngành, địa phương.  
Thủ tướng nhấn mạnh nếu không giải ngân thì cương quyết có chế tài xử lý đến nơi đến chốn. Ảnh: VGP
Thủ tướng nhấn mạnh nếu không giải ngân thì cương quyết có chế tài xử lý đến nơi đến chốn. Ảnh: VGP

Giải ngân 8 tháng ước đạt 47% kế hoạch

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới đến nền kinh tế nước ta là khá toàn diện, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế,… Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được xem là giải pháp tích cực để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, chỉ đạo sát sao để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và ngày 16/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020.

Sau Hội nghị này, Chính phủ đã tổ chức 7 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn kiểm tra tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở kết quả kiểm tra của các đoàn công tác, việc phân tích làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như kinh nghiệm, cách làm hay nhằm đề ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới là rất cần thiết.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31 tháng 7 năm 2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó vốn NSTW đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai công tác đầu tư công năm 2020, sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác nêu trên, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%.

Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Không để có tiền mà không tiêu được

Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm rất đa dạng, bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, các hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể như: giải ngân chậm do công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu.

Đồng thời do một số nguyên nhân chủ quan sau: Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Do chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động gắn với yếu tố nước ngoài từ nhiều khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án đều chậm lại.

Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo từ các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại kết luận tại hội nghị tháng trước là quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng và hằng tháng sẽ họp để kiểm điểm công việc này. Giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ ngải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Hội nghị lần này là phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương mà nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn. “Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyên đề