Giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, góc nhìn từ phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những con số trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 7 tháng, ước thực hiện 8 tháng kế hoạch năm 2022 cho thấy, giải ngân vẫn chậm so với yêu cầu. Tại các tỉnh, thành phía Nam, sự quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ đầu tư chưa thể giúp khai phóng sức ì, tạo bứt phá trong giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển.
Nhiều tỉnh, thành phía Nam có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước tính tới cuối tháng 8/2022 rất khiêm tốn. Ảnh: Tiến Tân
Nhiều tỉnh, thành phía Nam có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước tính tới cuối tháng 8/2022 rất khiêm tốn. Ảnh: Tiến Tân

Báo cáo ngày 22/8/2022 của Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của cả nước là 645.366,357 tỷ đồng, trong đó bao gồm vốn kéo dài các năm trước sang năm 2022 là 47.378,506 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2022 là 597.987,851 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/7/2022, lũy kế thanh toán vốn đầu tư hơn 186.508 tỷ đồng, đạt 28,9% kế hoạch. Tính đến hết tháng 8/2022 ước tính thanh toán hơn 224.632 tỷ đồng, tương ứng 34,81% kế hoạch. Đối với vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2022, lũy kế thanh toán đến hết tháng 7 là 8.680,7 tỷ đồng, đạt 18,32% kế hoạch và ước tính tới cuối tháng 8 là 12.405,58 tỷ đồng, đạt 26,18% kế hoạch. Tính riêng giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm tới 31/8/2022 là hơn 212.227,28 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch và đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước tính trong 8 tháng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 40,6% kế hoạch). Có 7 bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số bộ, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (51,91%), Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Long An (55,1%), Phú Thọ (57,2%). Có 35 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 bộ và 3 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Về thực hiện một số dự án trọng điểm, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng giá trị khối lượng xây lắp đã hoàn thành đến ngày 12/8 đạt khoảng 27.264,64 tỷ đồng, tương ứng 47,8% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,7%. Đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tính tới ngày 18/8 đã giải ngân 16.436,817 tỷ đồng cho Dự án thành phần Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đạt 71,92% kế hoạch. Các dự án thành phần 1, 2, 3 và 4 xây lắp cảng hàng không cơ bản đáp ứng tiến độ.

Tại khu vực phía Nam, ngoài 2 tỉnh Tiền Giang (giải ngân đạt 63,5% kế hoạch), Long An (55,1%), nhiều địa phương khác có tỷ lệ giải ngân ước tính tới cuối tháng 8/2022 rất khiêm tốn. Đơn cử như TP.HCM chỉ đạt 17,1%, TP. Cần Thơ 26%, Bình Phước 33%, Sóc Trăng 32,1%, Đồng Nai 42,9%, Bạc Liêu 38,5%, Bình Dương 46,5%, Bà Rịa - Vũng Tàu 39%... Có thể thấy, số lượng vốn kế hoạch còn lại của các tỉnh, thành phía Nam rất lớn. Chỉ tính 4 địa phương lớn trong vùng Đông Nam Bộ, số vốn cần phải giải ngân là những con số “khủng” như: TP.HCM hơn 44.972 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 7.677 tỷ đồng, Bình Dương hơn 4.761 tỷ đồng, Đồng Nai hơn 6.412 tỷ đồng. Đây là thách thức rất lớn đối với các địa phương này.

Ngay từ đầu năm 2022, chính quyền các tỉnh, thành phía Nam đã triển khai rất quyết liệt chỉ đạo tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Công điện số 126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công... Theo đó, các địa phương đã rà soát, xử lý các tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, rà soát điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt. Mặc dù vậy, kết quả giải ngân còn chậm, ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế.

Trong số hàng loạt vướng mắc “ngáng đường” giải ngân đầu tư công, có những “nút thắt” mà ý chí, quyết tâm từ các địa phương là chưa đủ để tháo gỡ như việc tạm ngừng, hủy bỏ chương trình dự án; khó khăn, vướng mắc về dự án bồi thường giải phóng mặt bằng được quyết định chủ trương đầu tư độc lập với dự án xây lắp; trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp... Trong bối cảnh đó, các địa phương đang đau đầu tìm giải pháp có tính đột phá, các chủ đầu tư trông ngóng những điều chỉnh về khuôn khổ pháp lý, về điều hành thị trường nhằm tháo gỡ vướng mắc. Chừng nào chưa thể “bốc thuốc” cho các vướng mắc thì mục tiêu hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công vẫn khó thành hiện thực.

Chuyên đề