Giải bài toán 1 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên sẽ cần phải đầu tư rất nhiều dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhu cầu vốn đầu tư lớn đòi hỏi Tỉnh phải huy động hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó có các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Thái Nguyên xác định sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, dùng đầu tư công làm vốn mồi huy động nguồn lực tư. Ảnh: Thế Bình
Thái Nguyên xác định sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, dùng đầu tư công làm vốn mồi huy động nguồn lực tư. Ảnh: Thế Bình

Đa dạng nguồn lực đầu tư

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, nhu cầu vốn đầu tư theo kịch bản tăng trưởng 8,5%/năm cho thời kỳ 2021 - 2030 là 45 tỷ USD, tương đương khoảng 1.060.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu vốn đầu tư, khoảng 15 - 18% là vốn đầu tư công, 53 - 56% là vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước và 28 - 30% là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Liên danh tư vấn GITAD - tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - tính toán khả năng cân đối nguồn vốn với mức tăng trưởng trung bình hằng năm theo xu hướng hiện hành khoảng 15% là 964.000 tỷ đồng, khoảng 38 tỷ USD, chỉ tương đương trên 84% nhu cầu vốn. Để đáp ứng đủ nhu cầu, Liên danh cho rằng phải có chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư với mức tăng hàng năm trung bình 17,5%.

Về giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư, theo GITAD, phải tăng cường công tác quản lý tài chính, tập trung quản lý thu ngân sách; huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh và trung ương; kiến nghị với Trung ương về xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn thu để tăng thêm vốn đầu tư phát triển của Tỉnh; thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế...

Liên danh tư vấn cũng nhấn mạnh, cần huy động nhiều nguồn vốn khác, trong đó tăng cường đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nghiên cứu xây dựng danh mục các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo phương thức PPP trong từng giai đoạn cụ thể để thu hút các nhà đầu tư như một giải pháp đột phá cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội và tiến tới mục tiêu hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Các dự án PPP phải được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, trước khi bắt đầu thảo luận với các nhà đầu tư tiềm năng, cần ưu tiên và tập trung vào công tác chuẩn bị. Với các dự án thông tin tăng cường xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…

Bên cạnh đó, theo Liên danh GITAD, đất đai là một trong những nguồn lực có đóng góp lớn vào ngân sách công của các địa phương. So với tiềm năng về quỹ đất để phát triển đô thị, thu ngân sách cấp tỉnh từ đất đai của Thái Nguyên còn thấp. Do đó, chính sách tài chính đất đai phải được điều chỉnh để đóng vai trò điều tiết trên thị trường.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Nhìn vào cơ cấu vốn, có thể thấy nguồn vốn cần huy động của Thái Nguyên để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra là rất lớn, chủ yếu phải huy động từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, đồng thời phải sử dụng thật hiệu quả vốn đầu tư công, dùng đầu tư công làm vốn mồi huy động nguồn lực tư.

Tại Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã trình Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thái Nguyên xác định rõ các nguyên tắc lựa chọn dự án đầu tư, phân bổ, thu hút nguồn lực các chương trình, dự án để triển khai thực hiện Quy hoạch.

Đối với các dự án đầu tư công, Tỉnh nêu rõ, thực hiện phân bổ kế hoạch vốn đầu tư bám sát mục tiêu, nội dung trong Quy hoạch. Việc quản lý, phân bổ vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành và đẩy nhanh các dự án kết cấu hạ tầng có thể tạo ra sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện, hạ tầng y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực phía Nam, khu vực động lực phát triển của Tỉnh; tiếp tục quan tâm đầu tư hợp lý, hiệu quả khu vực miền núi, vùng cao nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn vốn đầu tư công được Tỉnh định hướng tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối giữa các vùng trong và ngoài Tỉnh, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện 3 tuyến trục dọc, 4 tuyến trục ngang và 2 tuyến vành đai. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư các tuyến đường trọng điểm mang tính liên kết vùng: tuyến đường kết nối Thái Nguyên - Tuyên Quang; đường Hồ Núi Cốc; tuyến đường liên kết, kết nối Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; tuyến đường Vành đai V qua địa bàn Thái Nguyên; đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa...

Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, tiếp tục đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy (khu A), Khu công nghiệp Sông Công II.

Với lĩnh vực y tế, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án: Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Bệnh viện A Thái Nguyên, các dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, UBND tỉnh Thái Nguyên xác định rõ các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư. Theo đó, dự án phải phù hợp với các quy định pháp luật, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, kế hoạch, chương trình khác. Về quy mô đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư vốn lớn, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện môi trường. Về năng lực nhà đầu tư, thực hiện lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, tài chính, kinh nghiệm, uy tín theo quy định pháp luật. Các dự án được xem xét chấp thuận phải được đánh giá là có hiệu quả kinh tế - xã hội trên các mặt chủ yếu: đóng góp cho ngân sách nhà nước, hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả tạo việc làm. Các dự án phải sử dụng công nghệ tiên tiến, không sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định.

Lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư

Lĩnh vực công nghiệp, điện: Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; dự án đầu tư của nhà đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ cao; các dự án đầu tư phát triển nguồn điện như điện rác, điện sinh khối và các nguồn năng lượng tái tạo.

Lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ: Thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án tại Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, khu vực sườn Đông Tam Đảo, Khu di tích Lý Nam Đế. Thu hút đầu tư xây dựng sân gôn, khu chức năng tổng hợp sân gôn và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí; các dự án trung tâm thương mại...

Lĩnh vực giao thông: Thu hút đầu tư hệ thống cảng thủy, bến thủy; bến xe khách, bãi đỗ xe công cộng, trạm dừng nghỉ, cảng cạn.

Lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin: Khuyến khích, thu hút đầu tư các dự án chuyển đổi số; phát triển hạ tầng mạng băng rộng; cải tạo mạng truyền dẫn, tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông; thu hút các tập đoàn công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.

Lĩnh vực hạ tầng khu dân cư, khu đô thị: Thu hút đầu tư xây dựng các khu dân cư, khu đô thị với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Lĩnh vực nông nghiệp: Thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm.

(Nguồn: Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050)

Chuyên đề