Giá thực phẩm thế giới tiếp tục tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực và thực phẩm trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, do nhu cầu tăng mạnh và mùa màng một số nông sản thất thu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chỉ số Food Price Index của FAO, dùng để theo dõi giá quốc tế của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đạt trung bình 133,2 điểm vào tháng 10/2021, tăng 3% so với tháng 9/2021 và tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sự gia tăng này chủ yếu do giá dầu thực vật và giá lúa mỳ tăng mạnh.

Giá lúa mỳ, nông sản hiện được trồng trên diện tích đất nhiều hơn bất kỳ nông sản thương mại nào khác, tăng 5% trong tháng 10 do sản lượng giảm tại những nước xuất khẩu lúa mỳ chủ chốt, gồm Canada, Nga và Mỹ. Giá lúa mạch, gạo và ngô cũng đồng loạt tăng.

Giá các loại dầu cọ, đậu tương, hạt hoa hướng dương leo thang dẫn tới mức tăng 9,6% trong giá dầu thực vật thuộc chỉ số của FAO. Giá dầu cọ tăng vọt do lo ngại về sản lượng suy giảm ở Malaysia vì nước này đang khan hiếm lao động nhập cư làm việc tại các đồn điền trồng cọ.

FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm nay đạt 2,793 tỷ tấn, giảm so với dự báo đưa ra vào tháng trước là 2,800 tỷ tấn. Dự kiến sản lượng ngũ cốc sẽ tiếp tục đạt kỷ lục nhưng tăng chậm hơn so với nhu cầu, dẫn đến nguồn dự trữ sẽ thu hẹp.

Báo cáo của FAO cũng cho biết nhu cầu tăng trên toàn cầu đối với nhiều sản phẩm như bột sữa, thịt gia cầm, dầu thực vật lúa mạch.

Theo FAO, nguồn cung và giá cả lương thực - thực phẩm trên toàn cầu đang chịu nhiều áp lực từ thời tiết cực đoan, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nhân công và chi phí gia tăng.

Chuyên đề