Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đằng sau con số ấn tượng này vẫn còn niềm tiếc nuối khi chỉ số gia nhập thị trường chưa đạt được kỳ vọng.
Ngoài số doanh nghiệp thành lập mới ấn tượng, bức tranh hoạt động doanh nghiệp năm 2019 có những điểm sáng nào thưa ông?
Có thể nói lực lượng DN Việt Nam đang có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Điều này thể hiện bằng con số DN gia nhập thị trường tăng cao liên tục những năm gần đây. Trung bình giai đoạn năm 2016 - 2019, mỗi năm cả nước có trên 120.000 DN thành lập mới. Đặc biệt, theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, ước tính năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp có số lượng DN đăng ký thành lập mới cao nhất với hơn 138.000 DN, cộng với đó là gần 40.000 DN quay trở lại hoạt động.
Không chỉ ấn tượng với số DN thành lập mới tăng mạnh, chúng ta cũng chứng kiến khoảng 40.000 DN tăng vốn điều lệ với số vốn tăng lên hơn 2 triệu tỷ đồng. Tín hiệu này rất đáng mừng, bởi các DN tăng vốn là những DN đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên thực tế. Họ nhận thấy những cơ hội từ môi trường kinh doanh nên tiếp tục bỏ vốn làm ăn, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh lực lượng DN mới gia nhập thị trường thì năm 2019, cả nước cũng chứng kiến một số lượng lớn các DN rời thị trường trước đây quay trở lại hoạt động.
Ngoài môi trường đầu tư kinh doanh đang tốt lên, thúc đẩy người dân gia nhập thị trường, theo ông đâu là yếu tố khiến số doanh nghiệp mới tăng lên mạnh mẽ?
Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cắt giảm các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập DN.
Đối với đăng ký kinh doanh, đây là một trong những lĩnh vực được ứng dụng công nghệ thông tin rất sớm trong các ngành kinh tế, chỉ sau ngành thuế. Đăng ký kinh doanh cũng là một trong ít lĩnh vực có hệ thống công nghệ thông tin trải dài khắp 63 tỉnh, thành phố.
Hiện tất cả thủ tục hành chính về đăng ký DN đều có thể thực hiện trực tuyến thông qua các ứng dụng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN với 18 dịch vụ công được triển khai ở mức độ 4 và 4 dịch vụ công được triển khai ở mức độ 3; đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký DN cũng như tình trạng hồ sơ DN trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN.
Đặc biệt, năm 2019, công tác đăng ký qua mạng điện tử được chúng tôi rất chú trọng. Tính đến ngày 26/11/2019, tỷ lệ đăng ký qua mạng cả nước đạt 70,62%, tăng 19% so với năm 2018. Riêng TP. Hà Nội đạt 99,5% và TP.HCM đạt 83,51%.
Bên cạnh đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp rút ngắn thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập DN trên cả nước xuống chỉ còn 2 ngày.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Tuy vậy, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam trong Doing Bussiness 2020 vẫn xếp hạng 115 trên tổng số hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá?
Hỗ trợ cải cách gia nhập thị trường cho DN thời gian qua, trong đó có công tác hỗ trợ đăng ký DN được chúng tôi bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhưng cho thấy những kết quả lớn và được cộng đồng DN Việt Nam ghi nhận. Đây chính là động lực khích lệ chúng tôi tin vào những cải cách sắp tới. Đối với cơ quan khác cũng là cơ hội nhìn nhận lại để thay đổi chính sách cho phù hợp.
Tiếc rằng, dù có nhiều nỗ lực cải cách trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, song năm 2019, Chỉ số Gia nhập thị trường của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) không được tốt. Theo Doing Business 2020, Chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2019 ghi nhận tăng điểm (nhờ giảm 1 ngày thực hiện thủ tục), nhưng lại tụt 11 bậc (từ vị trí 104 năm 2019 xuống vị trí 115 năm 2020).
Xét về điểm số, gia nhập thị trường vẫn là lĩnh vực có nhiều cải cách, điểm số chạy xa so với nhiều chỉ số khác. Song gia nhập thị trường bao gồm nhiều công đoạn, không chỉ có riêng đăng ký kinh doanh, đây là lĩnh vực luôn luôn được nhiều nước trên thế giới cải cách mạnh nhất, họ tập trung cải thiện và Việt Nam “chạy chậm” hơn họ trong nỗ lực này. Năm 2019, WB vẫn ghi nhận 3 cải cách của Việt Nam trong vấn đề này.
Điều này có nghĩa là dư địa cải cách Chỉ số Khởi sự kinh doanh vẫn còn, thưa ông?
Phân tích của chúng tôi cho thấy, dư địa cải cách Chỉ số này vẫn còn rất nhiều. Theo WB, Chỉ số này bao gồm 8 thủ tục với 16 ngày, trong đó riêng 2 thủ tục thuộc lĩnh vực tài chính chiếm 65% chi phí và 62% về thời gian. Đó là thủ tục mua hóa đơn và tự in hóa đơn chiếm tới 10 ngày/16 ngày; nộp phí môn bài 2 triệu đồng/3 triệu đồng. Nếu chúng ta tập trung cải cách thủ tục này trong nửa đầu năm 2020, Chỉ số Khởi sự kinh doanh hoàn toàn có thể tăng lên 20 - 25 bậc trong Bảng xếp hạng.