Giá giấy tăng 40% và “đống rác” ba ngàn tỉ

Sau khi tăng nóng hơn 20%, giá các loại giấy tiếp tục tăng thêm từ 500.000 - 1 triệu đồng/tấn... riêng giấy in báo tăng đến 40%. Cơn bão giá ấy diễn ra trong khi “đống rác” 3.000 tỉ có tên là Nhà máy bột giấy Phương Nam bán không ai mua dù với giá đồng nát sắt vụn.
Nhà máy giấy bột giấy Phương Nam đã 3 lần được chào bán nhưng không một nhà đầu tư nào quan tâm. Ảnh: Dân Trí.
Nhà máy giấy bột giấy Phương Nam đã 3 lần được chào bán nhưng không một nhà đầu tư nào quan tâm. Ảnh: Dân Trí.

Cơn đau đầu đã trở nên triền miên, thậm chí đã đến mức độ quá sức chịu đựng khi các toà báo, các nhà xuất bản, các DN bị buộc phải tăng giá bán sản phẩm. “Hoặc duy trì lỗ để phá sản, hoặc tăng giá dù biết tăng cũng chẳng khác nào tự sát”- cái tâm thế tiến thoái lưỡng nan ấy y như sự cùng đường.

Báo chí, dẫn lời... báo chí cho biết: Sau khi đã tăng bình quân 2,2 triệu đồng/tấn kể từ cuối tháng 2.2018, mức giá mới được thông báo sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 15-20% cho các lô giấy giao từ cuối tháng 8.

“Việc giá giấy in báo tăng trung bình 30-40% kể từ đầu năm 2018 đến nay thật sự là bài toán rất khó cho các cơ quan phát hành báo chí"- người phụ trách in ấn một tờ báo cho biết.

Có mấy con số có thể giải thích cho sự bất đắc dĩ ấy: Giá giấy nguyên liệu sau khi tăng bình quân 20% trong những tháng đầu năm đã tiếp tục tăng thêm từ 500 ngàn đến cả triệu đồng mỗi tấn. Riêng giấy in báo, vốn phải nhập 100%, đã tăng lên đến 40%. Chết nỗi, đà tăng giá chưa hề có dấu hiệu dừng lại.

Có một nguyên nhân sâu xa hơn thuộc về lý do nội tại: Giấy in, giấy viết trong nước sản xuất chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, chất lượng giấy trong nước "toát mồ hôi" rồi tụt hậu hoàn toàn so với công nghệ in ấn, khiến 100% giấy in báo phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hoặc nếu đáp ứng thì với một mức giá cao đến mức không thể cạnh tranh với giấy nhập.

Nghĩ đến sự tụt hậu, trì trệ còi cọc của ngành giấy càng đau hơn khi Nhà máy bột giấy Phương Nam đang như một đống của nợ không cách gì tháo gỡ.

Người ta đã đã dự báo quá nhiều về cái chết của dự án này. Người ta phân tích quá nhiều về nguyên nhân, nhưng cốt lõi vẫn là “nguyên nhân nhà nước”, với một dự án ban đầu được giao cho DN ngành... giao thông với kinh nghiệm bằng 0. Để rồi càng tái cơ cấu, càng cứu thì càng mất tiền.

Cơn bão giá giấy hôm nay liên quan đến năng lực của ngành giấy, năng lực ấy ít nhiều liên quan đến những dự án không khác gì ném tiền qua cửa sổ. Và chừng nào trách nhiệm vẫn thuộc về khách quan, chừng nào người ta vẫn chỉ toàn nhìn thấy thành tích của một ngành, chừng nào cái chết trên sân nhà còn chưa được xem là một nỗi nhục thì chừng đó vẫn còn bão giá, còn sự phụ thuộc.

Chuyên đề