Một dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận. |
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo mới về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời mới tại Việt Nam, sẽ áp dụng sau tháng 6 năm nay. Theo bản dự thảo này, giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo 4 vùng bức xạ (theo địa lý) và 4 loại hình sản xuất, gồm dự án điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, dự án tích hợp hệ thống lưu trữ và điện mặt trời mái nhà.
Các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung sẽ có giá mua cao nhất, mức 2.486 đồng một kWh (khoảng 10,87 cent) cho các dự án điện mặt trời mái nhà. Trong khi đó giá mua với dự án điện mặt trời mặt đất và nổi tại khu vực này lần lượt 2.102 và 2.159 đồng một kWh.
Trong khi giá thấp nhất ở khu vực các tỉnh có tiềm năng về điện mặt trời lớn như nam Trung bộ, nam Tây Nguyên. Cụ thể, mỗi kWh điện tại dự án điện mặt trời mặt đất có giá mua 1.525 đồng (6,67 cent); dự án điện mặt trời nổi là 1.566 đồng (6,85 cent) và cao nhất khu vực này là 1.877 đồng (khoảng 8,21 cent).
So với mức giá "cào bằng" 9,5 cent (gần 2.100 đồng) một kWh, dự thảo giá mua bán điện mặt trời lần này của Bộ Công Thương có sự phân mảnh khá rõ khi cơ quan quản lý đang muốn tạo ra sự hấp dẫn với dự án đặt tại khu vực bức xạ thấp. Cùng đó, phân tán bớt dự án tại khu vực bức xạ nhiệt cao lâu nay vẫn tập trung tại Bình Thuận, Ninh Thuận.
Phương án giá điện mặt trời phân theo vùng bức xạ nhiệt cũng là kịch bản các chuyên gia tư vấn của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (Giz) khuyến nghị Bộ Công Thương thực hiện, sau khi Quyết định 11 về giá điện mặt trời hết hiệu lực sau tháng 6 năm nay.
Số liệu hết tháng 9/2018, đã có 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.
Cuối năm 2018, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị bổ sung thêm 17 dự án nữa vào quy hoạch điện và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Như vậy, tổng công suất đăng ký đầu tư loại năng lượng này đã vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm.