Nhiều doanh nghiệp lo ngại, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi |
Chi phí sản xuất tăng cao
Giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng liên tục và đã vọt lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Giá xăng dầu trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Tại kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 11/2/2022, giá bán lẻ xăng RON 95 trong nước đã vượt mốc 25.000 đồng/lít - mức cao nhất từ tháng 8/2014. Giá xăng E5 RON 92 cũng lên mức 24.570 đồng/lít; dầu diesel 19.860 đồng/lít, dầu hỏa 18.750 đồng/lít; dầu mazut 17.650 đồng/kg.
Ngay sau khi giá xăng điều chỉnh tăng, ngày 12/2/2022, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên đã có văn bản gửi khách hàng thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm tăng so với giá bán hiện tại. Cụ thể, thép cây tăng 300.000 đồng/tấn, thép cuộn xây dựng tăng 300.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Lý do điều chỉnh giá bán được nhà sản xuất này đưa ra là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Cũng trong ngày 12/2, Công ty CP Sản xuất thép Việt Đức thông báo điều chỉnh tăng giá 300.000 đồng/tấn sản phẩm (chưa bao gồm VAT) đối với thép cây, thép cuộn các chủng loại. Phạm vi áp dụng tại thị trường miền Bắc và miền Trung.
Nhiều nhà sản xuất thép khác như: Công ty CP Thép Việt Ý thuộc Tập đoàn Thép Kyoei; Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn; Công ty TNHH Thép Tuyến Năng… cũng có thông báo điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm.
Đến thời điểm này, mặc dù giá than chưa tăng, song với đà tăng giá của các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất, đại diện Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả nhận định, khả năng cao là các loại chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN) cũng sẽ tăng. Điều này gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nói riêng và các DN nói chung.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, với tình hình giá đầu vào sản xuất tăng cao, vừa qua, nhiều DN xi măng đã phải điều chỉnh tăng giá bán để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nhận định về đợt tăng giá đầu vào sản xuất lần này, nhiều chuyên gia kinh tế, DN dự báo, nhiều khả năng chu kỳ tăng giá hiện nay chưa thể hạ nhiệt ngay trong quý I mà có thể kéo dài đến cuối quý II/2022. Dấu hiệu hạ nhiệt về giá dự kiến từ cuối quý II, đầu quý III/2022.
Doanh nghiệp lên phương án ứng phó ra sao?
Nhiều DN lo ngại, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của DN. Bởi theo ông Nguyễn Hùng Thắng, Giám đốc Công ty CP Vinachem Việt Nam, giá nhiên liệu tăng chắc chắn sẽ kéo các loại chi phí liên quan tăng, buộc DN phải tăng giá bán sản phẩm, khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ khó khăn hơn.
Đối với nhà thầu xây dựng, ông Cung Đình Lân, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Châu Việt bày tỏ sự lo ngại: “Khi giá cả vật liệu xây dựng liên tục biến động tăng cao, chúng tôi thấy nhiều rủi ro nên không dám vồ vập, mặn mà ký hợp đồng, nhất là những gói thầu ký kết theo loại hợp đồng trọn gói cũng như đơn giá cố định”.
Để giảm thiểu rủi ro, ông Lân cho biết, điều mong mỏi nhất hiện nay là giá cả thị trường sản xuất bình ổn. Về phía DN, Công ty CP Đầu tư Châu Việt sẽ đẩy mạnh tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh bằng cách siết lại nguyên vật liệu đầu vào, tránh lãng phí cũng như quản lý chặt chẽ thời gian làm việc của công nhân…
Trong khi đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, phương án chủ yếu hiện nay của các nhà thầu, trong đó có Hòa Bình, là xây dựng “hệ sinh thái cung ứng vật liệu xây dựng” với các bên liên quan nhằm chia sẻ rủi ro khi giá cả thị trường biến động. Theo đó, nhà thầu xây dựng áp dụng mua cố định giá cho một khối lượng lớn vật liệu cho cả năm với nhà cung cấp để họ làm việc với nhà sản xuất đảm bảo lượng hàng cố định với giá đó cho nhà thầu. “Đây là phương án có lợi cho cả nhà sản xuất, nhà thầu và nhà cung cấp. Qua đó, chủ đầu tư cũng đỡ rủi ro”, ông Hải chia sẻ.
Về phía Công ty CP Vinachem Việt Nam, ông Thắng cho biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của Công ty được xây dựng bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của các năm trước, nhất là năm 2021 để chủ động nguyên liệu đầu vào giúp DN ổn định giá cả phù hợp, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động khi thị trường diễn biến bất lợi.
Ở góc độ quản lý, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, công tác điều hành chính xác, linh hoạt, nhạy bén cũng như dự báo thị trường tốt có ý nghĩa rất lớn đối với DN, xa hơn là nền kinh tế trước các biến động bất lợi. Nhìn riêng vào việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất dẫn đến rối thị trường thời gian qua, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng như một số DN cho rằng, chủ yếu là do cách điều hành thiếu nhạy bén của Bộ Công Thương. Bởi những dấu hiệu bất ổn về nguồn cung đã có thể nhìn thấy, cảnh báo từ khá sớm.