Một mỏ dầu ở Kogalym, Nga - Ảnh: Reuters/WSJ. |
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch đầu tuần, khi nhiều nhà giao dịch cho rằng các nước sản xuất dầu lửa lớn có thể tăng sản lượng nhiều hơn dự kiến. Tuy vậy, sự "hạ nhiệt" này được dự báo sẽ không bền vững.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8 giảm 0,21 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 73,94 USD/thùng. Trước phiên giảm này, giá dầu WTI đã có 4 phiên tăng liên tiếp, tăng tổng cộng 8% trong tuần trước - tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2016, và đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2014.
Tại thị trường London, giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - giảm 1,93 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 77,3 USD/thùng.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã đề nghị Saudi Arabia tăng sản lượng khai thác dầu thêm 2 triệu thùng/ngày để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng dầu của Venezuela và khả năng giảm nguồn cung dầu từ Iran một khi lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp lên Tehran được triển khai đầy đủ.
Gần đây, nguồn cung dầu thắt chặt kết hợp với nhu cầu tiêu thụ dầu tăng đã đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh.
Đề nghị Saudi Arabia tăng sản lượng dầu được ông Trump đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ tuyên bố những nước đến ngày 4/11 không cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran về mức 0 sẽ phải chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Một số nhà phân tích cho rằng dù Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu lớn khác có tăng sản lượng, thì cũng chưa chắc có đủ công suất dự trữ để có thể nhanh chóng bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung. Người tiêu dùng và doanh nghiệp ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đang chật vật với giá xăng dầu tăng. Ông Trump phàn nàn rằng giá dầu đang quá đắt.
"Việc trừng phạt Iran gây vấn đề cho Mỹ", ông Bjarne Schieldrop, phụ trách phân tích thị trường hàng hóa cơ bản thuộc SEB Markets, nhận định. "Họ muốn lệnh trừng phạt được thực thi nhanh nhất có thể, mạnh nhất có thể, nhưng họ cũng muốn giá dầu giảm. Đó là một điều mâu thuẫn".
Một số chuyên gia nói rằng sản lượng tăng nhiều hơn dự kiến của một số nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể tác động trực tiếp nhiều hơn đến giá dầu Brent, thay vì giá dầu WTI. Điều này sẽ tiếp tục thu hẹp chênh lệch giữa giá dầu WTI và giá dầu Brent, gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu dầu của Mỹ vốn hưởng lợi từ việc giá dầu ở Mỹ thấp hơn so với thế giới.
Nhiều nhà dự báo cho rằng phiên giảm này của giá dầu chỉ là tạm thời, bởi thị trường dầu lửa toàn cầu có thể mất thêm lượng cung khoảng 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày trước cuối năm nay, chủ yếu do gián đoạn ở Venezuela và Iran.
Sáng thứ Ba theo giờ Việt Nam, giá dầu đã tăng trở lại. Lúc hơn 9h, giá dầu WTI tăng 0,52 USD/thùng so với chốt phiên ngày thứ Hai, tương đương tăng 0,7%, đạt 74,46 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,37 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, đứng ở 77,67 USD/thùng.
Thị trường dầu lửa toàn cầu đã được đưa trở lại trạng thái cân bằng nhờ nỗ lực của OPEC và Nga hạn chế khoảng 2% nguồn cung dầu của thế giới bắt đầu từ đầu năm 2017. Cuối tháng 6 vừa rồi, OPEC tuyên bố nâng sản lượng trở lại, với mức tăng khoảng 600.000 thùng/ngày, nhằm kiềm chế đà tăng của giá dầu.