Một cốc dầu nặng trong tay người công nhân tại một mỏ dầu ở Alberta, Mỹ, tháng 8/2013 - Ảnh: Reuters. |
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, trong đó giá dầu Brent đạt mức cao nhất 4 năm, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến xuất khẩu dầu của Iran sụt giảm gây thắt chặt nguồn cung bất chấp các quốc gia khác tăng sản lượng.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1 USD/thùng, đạt 82,72 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 82,87 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 10/11/2014. Trong quý 3, giá dầu Brent tăng khảng 4%.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 1,13 USD/thùng, chốt ở 73,25 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá dầu WTI đạt 73,73 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 11/7. Trong tháng 9 này, giá dầu WTI tăng 5%, nhưng trong quý 3, loại dầu này giảm giá khoảng 1%.
Một đợt trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), sẽ bắt đầu vào ngày 4/11. Lần này, các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm thẳng vào ngành dầu lửa của Tehran.
"Khả năng xảy ra một cú sốc nguồn cung do sự suy giảm sản lượng dầu của Iran và Venezuela sẽ tiếp tục đẩy giá dầu lên. Đợt lệnh trừng phạt thứ hai của Mỹ đối với Iran vào tháng 11 sẽ hỗ trợ thêm cho kỳ vọng giá dầu tăng", ông Abhishek Kumar, nhà phân tích thị trường năng lượng thuộc Interfax Energy ở London, nhận xét.
Mỹ đã đề nghị các quốc gia giảm nhập khẩu dầu từ Iran về mức 0 trước thời hạn 4/11 nhằm buộc Tehran phải đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới và hạn chế ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. Giới thạo tin nói rằng công ty dầu khí quốc doanh Sinopec của Trung Quốc đã giảm một nửa lượng dầu nhập từ Iran trong tháng này.
Một số nguồn tin cũng nói Ấn Độ, một khách hàng lớn khác, có thể đã dừng mua dầu Iran. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ấn Độ ngày 27/9 tuyên bố cam nước này vẫn sẽ nhập khẩu dầu từ Iran.
Một số quốc gia khác trong OPEC đã và đang khai thác nhiều dầu hơn, nhưng lượng dầu tồn kho trên toàn cầu đang giảm xuống do cầu tăng nhanh hơn cung.
Theo dự báo Saudi Arabia sẽ cung thêm dầu ra thị trường để bù đắp sự suy giảm sản lượng dầu Iran. Giới thạo tin nói Saudi Arabia và một số nước trong và ngoài OPEC đang bàn khả năng khai thác thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày.
Tuy vậy, ngân hàng ANZ cho rằng mức tăng sản lượng như vậy không thể đủ để bù đắp cho nguồn cung dầu suy giảm từ Iran, dự kiến lên tới 1,5 triệu thùng/ngày.
Ở giai đoạn đỉnh cao vào tháng 5, Iran xuất khẩu 2,71 triệu thùng dầu mỗi ngày, đáp ứng gần 3% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu.
Giá dầu tăng mạnh gần đây nhưng OPEC vẫn chưa muốn tăng sản lượng vì Saudi Arabia cho rằng sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh của Mỹ có thể gây tình trạng thừa dầu trong năm 2019, nhất là nếu đồng USD mạnh và các nền kinh tế mới nổi giảm tốc khiến nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới đi xuống.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 269.000 thùng/ngày, đạt kỷ lục 10,964 triệu thùng/ngày trong tháng 7.