Giá dầu thế giới giằng co mạnh thời gian gần đây do sự tác động của những yếu tố trái chiều - Ảnh: Reuters/CNBC. |
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó, nhờ số liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ ba liên tiếp.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao tháng 8 tăng 1,09 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, đạt 57,34 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, chốt ở 63,82 USD/thùng.
Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28/6. Mức giảm này thấp hơn dự báo giảm 3,7 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Theo một số chuyên gia, việc tồn kho dầu Mỹ giảm là một dấu hiệu cho thấy sự yếu đi của nhu cầu tiêu thụ năng lượng, nhất là khi lượng tồn kho đến nay đã giảm 3 tuần liên tiếp. Trong tuần kết thúc vào ngày 21/6, mức giảm lên tới 12,8 triệu thùng.
Tuy nhiên, già dầu vẫn tăng phiên này do mức giảm tồn kho dầu ít hơn dự báo. Ngoài ra, nhà phân tích cấp cao James Hatzigiannis thuộc Long Leaf Trading Group nói rằng nhiều nhà đầu tư mua vào với tâm lý "săn hàng giá rẻ" vì giá dầu đã giảm sâu trong phiên ngày thứ Ba, chạm đáy của gần 2 tuần.
Giá dầu thế giới giằng co mạnh thời gian gần đây do sự tác động của những yếu tố trái chiều. Một mặt, giá dầu chịu sức ép giảm từ triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi. Mặt khác, giá dầu được hỗ trợ bởi khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Đầu tuần này, OPEC+ đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày cho tới tháng 3/2020. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các yếu tố nền tảng của thị trường dầu đều không hỗ trợ được nhiều cho giá dầu.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị ở vùng Vịnh cũng có tác dụng đẩy giá dầu tăng.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày thứ Tư cảnh báo rằng nước này sẽ làm giàu uranium ở "bất kỳ khối lượng nào mà chúng tôi muốn" bắt đầu từ Chủ nhật tuần này. Tuyên bố của ông Rouhani làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Iran ký kết với các cường quốc. Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này trong khi các nước châu Âu vẫn đang cố gắng giữ thỏa thuận khỏi sụp đổ.
"Ngoài thỏa thuận của OPEC+, các yếu tố nền tảng trong trung hạn đều yếu", MarketWatch dẫn nhận định của nhà phân tích Martijn Rats thuộc Morgan Stanley.
"Sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm nay chưa có dấu hiệu đảo chiều. Các số liệu của tháng 5 cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu gần như không tăng. Ngoài ra, sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC được dự báo tăng hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm 2020, đánh dấu năm tăng thứ 3 liên tiếp. OPEC đang tiếp tục cân bằng thị trường, nhưng họ phải đánh đổi bằng thị phần đáng kể".
Ngân hàng Barclays dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2019 sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2011, với mức tăng chưa đầy 1 triệu thùng/ngày so với 2018.
Ngân hàng Morgan Stanley hôm thứ Ba đã hạ dự báo giá dầu Brent trong dài hạn về 60 USD/thùng từ mức 65 USD/thùng đưa ra trước đó, đồng thời cho rằng thị trường dầu lửa toàn cầu về cơ bản sẽ cân bằng trong 2019.