Tuần trước, sản lượng dầu của Mỹ đạt mức kỷ lục mới 11,7 triệu thùng/ngày - Ảnh: Getty/CNBC. |
Giá dầu thế giới kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu với mức tăng không đáng kể, khép lại tuần giảm giá thứ 6 liên tục dưới sức ép của mối lo dư thừa nguồn cung.
Theo tin từ CNBC, vào đầu phiên giao dịch, giá dầu đã tăng mạnh khi nhà đầu tư kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh sẽ nhất trí cắt giảm sản lượng vào tháng tới.
Vào ngày 6/12, các bộ trưởng dầu lửa thuộc OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna, Áo để quyết định chính sách sản lượng cho 6 tháng tiếp theo. Trong cuộc họp này, OPEC sẽ quyết định nên làm gì với tình trạng dư thừa nguồn cung dầu hiện nay.
Trong phiên, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc tăng 2%, nhưng khi đóng cửa chỉ tăng 0,14 USD/thùng, đạt 66,76 USD/thùng.
Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York có thời điểm tăng 1,5 USD/thùng, nhưng lúc đóng cửa đã hạ về mức 56,46 USD/thùng, bằng với mức giá chốt của phiên trước.
Tuần này, giá dầu Brent giảm gần 5%, giá dầu WTI giảm 6,2%. Vào hôm thứ Ba, giá dầu Brent chạm đáy 8 tháng, giá dầu WTI giảm mạnh nhất hơn 3 năm và chạm đáy 1 năm.
Đợt bán tháo kéo dài từ đầu tháng 10 đến nay đã khiến giá dầu Brent "bốc hơi" trên 20% và giá dầu WTI sụt 25%.
Giới thạo tin nói rằng thủ lĩnh không chính thức của OPEC là Saudi Arabia muốn khối này cắt giảm sản lượng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 1,5% nguồn cung dầu toàn cầu. Saudi Arabia cũng muốn Nga tham gia vào kế hoạch cắt giảm sản lượng này, nhưng Moscow còn chần chừ.
Ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa cơ bản toàn cầu của BNP Paribas, cho rằng với nguồn cung dầu ngày càng giảm sút của Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ, cộng thêm việc OPEC có thể sắp giảm sản lượng, thì giá dầu Brent có thể nhanh chóng "hồi" về ngưỡng 80 USD/thùng vào cuối năm.
Trái lại, các chuyên gia của ngân hàng Morgan Stanley nói rằng dù OPEC có giảm sản lượng thì chưa chắc giá dầu đã tăng.
"Hai loại dầu tham chiếu chính là Brent và WTI đều là dầu ngọt nhẹ và giá của chúng phản ánh tình trạng dư thừa dầu hiện nay", một báo cáo của Morgan Stanley viết. "Trong khi đó OPEC có giảm sản lượng thì thường cũng chỉ giảm nguồn cung dầu có độ nặng trung bình và cao, không giải quyết được tình trạng dư cung dầu ngọt nhẹ".
Tuần trước, sản lượng dầu của Mỹ đạt mức kỷ lục mới 11,7 triệu thùng/ngày, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy. Mức sản lượng kỷ lục này góp phần đưa lượng tồn kho dầu của Mỹ có mức tăng tuần mạnh nhất gần 2 năm.