Một công nhân đang rửa những chiếc xe chở dầu tại một mỏ dầu ở Texas, Mỹ - Ảnh:Getty/CNBC. |
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran.
Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, mức tăng của giá dầu bị hạn chế bởi sản lượng khai thác dầu kỷ lục và lượng dầu tồn kho tăng của Mỹ, cũng như những dự báo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Vào giữa buổi sáng, có lúc giá dầu giảm mạnh theo thị trường chứng khoán Phố Wall, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực 2019.
Tuy nhiên, sự hồi phục đã diễn ra vào buổi chiều và giá dầu WTI kết thúc phiên giao dịch tại New York với mức tăng 0,44 USD/thùng, đạt 56,99 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent chốt phiên với mức tăng 0,31 USD/thùng, đạt 66,3 USD/thùng.
Kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày mà OPEC và đối tác dẫn đầu là Nga thực hiện từ đầu năm đến nay vẫn đang phát huy tác dụng nâng đỡ giá dầu.
"Theo quan điểm của chúng tôi, chiến lược của OPEC là nhằm tái cân bằng thị trường một cách nhanh nhất có thể và họ có thể sẽ chấm dứt việc cắt giảm sản lượng này trước cuối tháng 6, để nâng sản lượng trở lại trong nửa cuối của năm nay", ngân hàng Goldman Sachs dự báo hôm thứ Tư.
Ngoài việc OPEC giảm sản lượng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa của hai nước thành viên OPEC là Iran và Venezuela cũng hạn chế thêm nguồn cung dầu trên thị trường.
Tuy vậy, nguồn cung dầu toàn cầu hiện nay vẫn khá dồi dào nhờ sản lượng dầu tăng mạnh của Mỹ. Chính vì lý do này mà giá dầu WTI giữ khoảng cách chênh lệch thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent.
Số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố hôm thứ Tư, lượng dầu tồn kho của nước này tăng mạnh hơn dự báo trong tuần trước, với mức tăng 7,1 triệu thùng, đạt 452,93 triệu thùng.
Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ đang ở mức kỷ lục 12,1 triệu thùng/ngày, tăng hơn 2 triệu thùng/ngày so với thời điểm đầu năm 2018.
Goldman Sachs dự báo rằng sản lượng dầu ở "vựa dầu" Permian Basin của Mỹ còn có thể tăng cao hơn trong thời gian tới do các nút thắt về vận chuyển được tháo gỡ.
Một nhân tố khác hạn chế khả năng tăng cao hơn của giá dầu ở thời điểm hiện nay là tình trạng giảm tốc của kinh tế toàn cầu. ECB ngày 7/3 giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone 2019 về 1,1%, từ mức dự báo tăng 1,7% đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.
Trước đó cùng ngày, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nói rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng 3,3% trong 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng trưởng mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 11.