Một giàn khoan dầu của Iran trên Vịnh Persia, tháng 1/2017 - Ảnh: Bloomberg/CNBC. |
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba nhờ hy vọng về một thỏa thuận thương mại sắp được ký giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như khả năng Mỹ sẽ rút lại một phần thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 12 tại thị trường London tăng 0,84 USD/thùng, chốt ở 62,94 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 12 tại thị trường New York tăng 0,69 USD/thùng, tương đương tăng 1,22%, chốt ở 57,23 USD/thùng.
Theo dữ liệu của Dow Jones Market Data, đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 24/9.
Theo giới thạo tin, Trung Quốc đang hối thúc Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ thuế quan bổ sung đã áp lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9 năm nay để hai bên có thể ký kết thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1". Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn Mỹ rút lại kế hoạch áp thuế dự kiến thực thi vào tháng 12 tới và giảm bớt thuế quan đã áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ năm ngoái.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu các yêu cầu này của Bắc Kinh có được Washington đáp ứng. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" Mỹ-Trung có thể được ký kết trong tháng 11.
"Nếu thuế quan được dỡ, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể hồi phục vì các điều kiện kinh tế và thương mại sẽ khởi sắc", nhà phân tích thị trường Han Tan thuộc FXTM nhận xét.
Phát biểu ngày 5/11, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) Mohammad Barkindo nói triển vọng thị trường dầu lửa thế giới năm 2020 có thể sáng hơn dự báo. Nhận định của ông Barkido được cho là nói giảm đi về sự cần thiết phải cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu.
"Dựa trên các số liệu sơ bộ, có vẻ như năm 2020 sẽ khả quan hơn về nhu cầu tiêu thụ dầu", ông Barkindo phát biểu tại một cuộc họp báo.
OPEC cũng dự báo nguồn cung dầu của khối này sẽ giảm dần trong 5 năm tới, khi sản lượng dầu của Mỹ và một số khu vực khác tăng lên.
Báo cáo Triển vọng Dầu lửa 2019 của OPEC dự báo sản lượng dầu thô và các sản phẩm lỏng khác của khối này sẽ giảm còn 32,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Ngoài lạc quan thương mại, giá dầu những phiên gần đây còn được hỗ trợ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, đồng USD giảm giá, và báo cáo việc làm tháng 10 tốt hơn dự báo của Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn giữ quan điểm thận trọng về triển vọng tăng giá của dầu trong 2020.
"Chúng tôi tin rằng sức mạnh tăng giá của dầu sẽ không kéo dài lâu, xét đến lượng dầu thừa được dự báo cho quý 1/2020", nhà phân tích Warren Patterson của ING nhận xét. "Dự báo có thể thay đổi nếu trong tháng 12 tới nhóm OPEC và đối tác gây bất ngờ bằng một kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu hơn".
OPEC và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đã thực thi một kế hoạch hạn chế sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm đến nay. Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iran, ông Bijan Zanganeh, nói rằng ông kỳ vọng OPEC+ sẽ nhất trí giảm thêm sản lượng khi nhóm họp vào tháng 12.