Một trạm bơm xăng dầu tại Jeddah, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Cụ thể, tại thị trường Seoul, vào lúc 8 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 44 xu Mỹ, hay 0,68% lên 64,81 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ 41 xu Mỹ, hay 0,67% và được giao dịch ở mức 61,66 USD/thùng.
Các bộ trường dầu mỏ của các nước thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu khác sẽ nhóm họp ở Houston nhân sự kiện CERAWeek, hội nghị thường niên lớn nhất của ngành năng lượng, dự kiến sẽ khai mạc trong hôm nay.
Ông Stephen Innes, người phụ trách hoạt động giao dịch tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty OANDA ở Singapore, cho rằng OPEC và các nước đồng minh đang tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng Nga lại liên tục yêu cầu phải có một kế hoạch chấm dứt thỏa thuận này, vậy nên OPEC sẽ tìm cách “bắt tay” với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.
Ông Suhail Mohamed Al Mazrouel, Bộ trưởng Dầu mỏ của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và là Chủ tịch OPEC, ngày 4/3 cho biết phải đến năm sau OPEC mới thảo luận về việc chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Sản lượng dầu gia tăng của Mỹ lâu nay vẫn là trở ngại đối với cam kết đẩy lùi tình trạng dư cung dai dẳng trên toàn cầu của OPEC.
Với 10,28 triệu thùng/ngày, sản lượng dầu thô của Mỹ đã vượt quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu là Saudi Arabia và chỉ đứng sau Nga.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây còn dự đoán Mỹ sẽ “soán ngôi” của Nga, trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới chậm nhất là vào năm 2019.
Số giàn khoan phục vụ hoạt động sản xuất dầu mới của Mỹ đã lần đầu kể từ tháng 4/2015 tăng lên con số 800 giàn vào đầu tháng Ba này, cho thấy sản lượng dầu của nước này sẽ còn tăng cao hơn nữa./.