Ảnh minh họa. (Nguồn: The National) |
Theo đó, trên thị trường Singapore, giá dầu Brent đã giảm 1,4% (1,1 USD) xuống 75,34 USD/thùng . Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng để mất 2,3% (1,57 USD) xuống mức 66,31 USD/thùng. Cả hai loại dầu này hiện đã lần lượt giảm 6,4% và 9% tính từ mức “đỉnh” ghi nhận hồi trước đó trong cùng tháng Năm.
Tại châu Á, giá dầu giao dịch ở thị trường Thượng Hải cũng giảm 4,5% xuống 459 NDT (71,83 USD)/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và quốc gia sản xuất dầu lớn nhưng nằm ngoài khối này là Nga đã bắt đầu hạn chế nguồn cung kể từ năm 2017 nhằm thắt chặt thị trường và đẩy giá dầu lên. Trước đó hồi năm 2016, giá dầu đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một thập niên là dưới 30 USD/thùng
Giá dầu đã tăng lên kể từ kế hoạch cắt giảm sản lượng nêu trên được tiến hành, trong đó giá dầu Brent vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong tháng Năm. Song điều này lại làm dấy lên lo ngại rằng giá dầu tăng cao có thể ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế toàn cầu và thúc đẩy lạm phát. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề nguồn cung bị thu hẹp, Saudi Arabia và Nga hồi cuối tuần trước cho biết hai nước này đang bàn thảo về việc tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất dầu của Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số liệu mới nhất cho thấy số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 25/5 đã tăng thêm 15 giàn lên 859 giàn, mức cao nhất kể từ năm 2015.
Sản lượng dầu của Mỹ cũng đã tăng hơn 27% trong hai năm vừa qua và đạt mức 10,73 triệu thùng/ngày. Con số trên đang đưa Mỹ gần tiệm cận vị trí của Nga – nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng gần 11 triệu thùng dầu/ngày./.