Gây thiệt hại nặng, cựu sếp GPBank hầu tòa

(BĐT) - Ngày 19/12, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử 6 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). 
Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho GPBank 3.900 tỷ đồng tiền gốc và 858 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Ảnh: Internet
Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho GPBank 3.900 tỷ đồng tiền gốc và 858 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Ảnh: Internet

Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank cùng các đồng phạm đã có hành vi mua sắm đầu tư tài sản cố định vượt quá tỷ lệ quy định.

Phát hành trái phiếu để mua cổ phần

Tài liệu truy tố cho thấy, tiền thân của GPBank là Ngân hàng CP Nông thôn Ninh Bình và được phép chuyển đổi tên gọi cũng như mô hình hoạt động thành ngân hàng thương mại vào năm 1993. Sau 12 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, đến năm 2014, GPBank có vốn điều lệ là 3.018 tỷ đồng.

Trong số 903 cổ đông thì GPBank có 11 pháp nhân và 3 trong số đó có vốn nhà nước. Riêng Tạ Bá Long cùng nhóm cổ đông liên quan sở hữu 34,99% vốn điều lệ, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ, các ngân hàng phải đảm bảo mức vốn pháp định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (đến năm 2008) và 3.000 tỷ đồng (đến năm 2010). Để có tiền mua cổ phần duy trì tỷ lệ sở hữu khi GPBank tăng vốn theo quy định, Tạ Bá Long đã sử dụng một số pháp nhân để phát hành 3.380 trái phiếu bán cho Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) và thu về 3.380 tỷ đồng.

Hơn 2.611 tỷ đồng trong số tiền thu về từ phát hành trái phiếu được sử dụng để mua cổ phần, có 512,6 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu. Số tiền còn lại hơn 255,7 tỷ đồng được “rót” vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của các pháp nhân liên quan.

GPBank đã đảm bảo mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc trả nợ trái phiếu dẫn đến các hành vi vi phạm. Do không có tiền để trả gốc, lãi cho EVNFinance, các bị cáo đã bàn cách rút tiền từ GPBank để có tiền thanh toán cho chủ nợ.

Bị cáo Tạ Bá Long đã sử dụng hai pháp nhân là Công ty Thành Trung và Công ty Sao Bắc để rút tiền của GPBank. GPBank đã ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% Tòa nhà Capital Tower (phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) với Công ty Thành Trung, tổng giá trị hợp đồng là 2.200 tỷ đồng. Đồng thời, GPBank cũng ký Hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank và chuyển cho Sao Bắc 1.700 tỷ đồng. Tạ Bá Long đã rút 3.900 tỷ đồng và sử dụng để trả nợ gốc và lãi đối với EVNFinance (hơn 3.793 tỷ đồng). 

Vi phạm tỷ lệ mua, đầu tư tài sản cố định

Được biết, Công ty CP Du lịch Thương mại và Đầu tư Thủ đô – chủ đầu tư Tòa nhà Capital Tower có xin ý kiến ĐHĐCĐ về chủ trương chia diện tích sàn nhà Tòa nhà Capital House cho các cổ đông theo tỷ lệ cổ phần sở hữu. Trong đó, Công ty Thành Trung là một cổ đông sở hữu trên 50%. Nhưng đến nay, Công ty Thủ đô vẫn chưa xây dựng và thông qua được phương án phân chia.

Còn về Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank, UBND TP. Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội chưa thụ lý hồ sơ và ban hành bất kỳ văn bản nào liên quan đến dự án này.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã trưng cầu giám định. Theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, việc GPBank đặt cọc mua trụ sở với giá 2.200 tỷ đồng và hợp tác đầu tư Dự án ở An Khánh là vi phạm tỷ lệ mua, đầu tư tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 140 Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, tỷ lệ này phải không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Hành vi đó của các bị cáo đã gây thiệt hại cho GPBank 3.900 tỷ đồng tiền gốc và 858 tỷ đồng tiền lãi phát sinh (tính đến tháng 7/2015). Trước khi phải ra hầu tòa ở phiên xử này, cựu Chủ tịch GPBank cùng người thân đã khắc phục được hơn 864,8 tỷ đồng và còn phải tiếp tục khắc phục hơn 534 tỷ đồng nữa.

Được biết, phiên tòa sẽ diễn ra trong 1 tuần làm việc.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư