Gấp rút đàm phán mua 31 triệu liều vắc xin của Pfizer

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm đáp ứng nhu cầu 150 triệu liều vắc xin của năm 2021 dành cho đối tượng ưu tiên, Bộ Y tế đang nỗ lực đẩy nhanh đàm phán mua vắc xin Pfizer. Nếu thuận lợi, trong năm nay Việt Nam sẽ có thêm khoảng 31 triệu liều vắc xin Pfizer, ngoài nguồn của COVAX Facility (110 triệu liều), AstraZeneca (30 triệu liều do VNVC ký hợp đồng mua), các chương trình viện trợ khác (2 triệu liều)…
Theo kết quả đàm phán tính đến ngày 9/5/2021, Pfizer có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 31 triệu liều vắc xin. Ảnh: Reuters
Theo kết quả đàm phán tính đến ngày 9/5/2021, Pfizer có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 31 triệu liều vắc xin. Ảnh: Reuters

Đề xuất mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer trong 2 quý tới

Theo kết quả đàm phán tính đến ngày 9/5/2021, Pfizer có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 31 triệu liều vắc xin (15,5 triệu liều cung cấp trong quý III/2021 và nửa còn lại được cung cấp trong quý IV/2021).

Tuy nhiên, nhà cung cấp cũng đưa ra một số điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ (ký Thỏa thuận khung trước, rồi mới ký Thỏa thuận chi tiết theo mẫu được áp dụng với 70 quốc gia khác đã nhập khẩu vắc xin của Pfizer); miễn trừ trách nhiệm (khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin của Pfizer; không giao hàng theo đúng số lượng, thời gian dự kiến trong Thỏa thuận); không có bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm thực hiện hợp đồng; không áp dụng kê khai, kê khai lại giá…

Bộ Y tế đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án mua lô vắc xin này. Theo Bộ Y tế, đây là vắc xin mới được nghiên cứu, sản xuất trong tình trạng khẩn cấp để phòng chống đại dịch, nên chưa có đầy đủ dữ liệu về an toàn, hiệu quả, nên có thể có các sự cố sau tiêm. Do vậy, muốn mua được vắc xin của Pfizer, Chính phủ phải chấp nhận rủi ro khi sử dụng và các điều kiện của nhà cung cấp.

Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Y tế còn đề xuất Thủ tướng cho phép miễn một số loại giấy tờ liên quan đến việc nhập khẩu như Giấy chứng nhận chất lượng (kiểm định xuất xưởng) của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu; Giấy chứng nhận xuất xưởng do Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp…

Bộ Y tế phải chọn nhà thầu phân phối vắc xin

Liên quan đến cơ chế mua vắc xin của Pfizer, theo ý kiến của nhiều cơ quan, Bộ Y tế phải hình thành gói thầu riêng biệt để tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, thì Bộ Y tế phải thực hiện theo các thủ tục theo quy định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Bộ Y tế cho biết, sau khi Thủ tướng phê duyệt phương án mua, cơ quan này sẽ tiến hành đàm phán cụ thể với Pfizer về kế hoạch giao hàng, từ đó xây dựng kế hoạch LCNT cung cấp các dịch vụ bảo quản, vận chuyển, tiêm vắc xin (nếu cần thiết) hoặc chủ động thực hiện. Bộ dự kiến giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trình Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch LCNT cung cấp vắc xin của Pfizer áp dụng hình thức LCNT trong trường hợp đặc biệt. Thời gian bắt đầu LCNT là tháng 5/2021.

Khảo sát mới đây của Bộ Y tế cho thấy, hiện Việt Nam chỉ có 1 đơn vị đủ khả năng thực hiện bảo quản, vận chuyển vắc xin của Pfizer với năng lực 3 triệu liều và chi phí bảo quản, vận chuyển cao.

Để đảm bảo chất lượng bảo quản, vận chuyển vắc xin theo tiến độ cung cấp của Pfizer, bên cạnh việc xem xét thuê dịch vụ, Bộ Y tế đang lên kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc xin để đáp ứng điều kiện về năng lực bảo quản, vận chuyển vắc xin.

Về cơ chế thanh toán chi phí tiêm vắc xin, một số bộ ngành có ý kiến rằng, cần xem xét, cân nhắc phương án chỉ sử dụng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ chi phí tiêm vắc xin cho người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng ưu tiên; cân nhắc thận trọng việc sử dụng ngân sách mua lại vắc xin của doanh nghiệp. Bộ Y tế hỗ trợ doanh nghiệp làm việc với các hãng cung cấp vắc xin, đồng thời kiểm soát chất lượng, kỹ thuật trong quá trình thực hiện.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề