Theo đó, tuyến cao tốc này có chiều dài 33,8 km, đi qua địa phận hai tỉnh Tiền Giang (8,4 km) và Đồng Tháp (25,4 km). Nếu được triển khai, Dự án sẽ rút ngắn hơn một nửa thời gian di chuyển giữa hai địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hóa.
Được biết, Dự án sẽ đầu tư làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe, chiều rộng mặt đường là 17 m, vận tốc 80 km/giờ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 6.944 tỷ đồng; giai đoạn 2 được mở rộng lên 24,7 m, vận tốc 100 km/giờ.
Để đảm bảo tính khả thi của Dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước chiếm 50% (3.472 tỷ đồng) trong tổng mức đầu tư. Dự án sẽ có thời gian hoàn vốn là 27 năm.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, đề xuất chủ trương đầu tư Dự án theo cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu như quy định tại Điều 82 của Luật PPP.
Theo Bộ GTVT, khu vực miền Tây Nam Bộ hiện đang bức thiết đầu tư các dự án cao tốc vì hạ tầng hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng vùng.