Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: TTXVN |
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022, chiều 10/12, gần 1.000 đại biểu thanh niên tiêu biểu dự Đại hội đã tham gia 8 diễn đàn đối thoại với các bộ trưởng và đại diện các bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nội vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát huy trách nhiệm của thanh niên trong xung kích bảo vệ Tổ quốc
Tại Bộ Quốc phòng, 125 cán bộ đoàn viên ưu tú tham dự Diễn đàn “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”. Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thượng tướng Lương Cường cho rằng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá cao sáng kiến, cách làm của Ban tổ chức Đại hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn trong việc lựa chọn hình thức, nội dung, tổ chức các hoạt động trao đổi, tọa đàm, đối thoại.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, Thượng tướng Lương Cường đề nghị: Tuổi trẻ cả nước cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng,Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn cần tăng cường tuyên truyền trong nhân dân và thanh thiếu niên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.
Tại Diễn đàn các đại biểu đã tập trung trao đổi xoay quanh các nội dung: Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc…
Để triển khai hiệu quả công tác phối hợp giữa đoàn thanh niên và lực lượng quân đội trong công tác hậu phương quân đội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Lạng Sơn Lộc Minh Hiệp đề nghị, Bộ Quốc phòng cần tham mưu để có nhiều hơn chính sách ưu đãi cho thanh niên xuất ngũ trở về địa phương, chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên xuất ngũ.
Thanh niên cần chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Cũng trong khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, các đại biểu thanh niên đã tham dự Diễn đàn đối thoại “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Cùng dự và trao đổi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ sự tin tưởng vào những đóng góp của thế hệ trẻ trong việc chung tay cùng với các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đề nghị, các đại biểu tích cực trao đổi, đề xuất, hiến kế cho Đoàn những cách làm mới, sáng tạo để thu hút, tập hợp thanh thiếu nhi tham gia vào những vấn đề mang tính toàn cầu như bảo vệ môi trường; hình thành những thói quen tốt cho các bạn trẻ như phân loại rác thải trước khi xử lý; giữ gìn vệ sinh xanh - sạch - đẹp tại nơi mình sinh sống…
Các đại biểu dự Diễn đàn đã tập trung thảo luận, đặt câu hỏi, kiến nghị về các nội dung như: Tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống, sản xuất; những cơ hội, thách thức của thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; trách nhiệm của thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như khai thác, bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển nguồn năng lượng sạch…
Tăng cường hỗ trợ thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
“Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” là nội dung Diễn đàn đối thoại chính sách giữa Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường với 150 đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Diễn đàn có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.
Hoạt động được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các đại biểu thanh niên trao đổi, phản ánh những khó khăn, bất cập trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Diễn đàn xoay quanh 3 nội dung chính: Vai trò của thanh niên, tổ chức thanh niên tham gia thúc đẩy xây dựng và duy trì thành quả xây dựng nông thôn mới; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đối với chính sách phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thanh niên là lực lượng nòng cốt quan trọng, vừa là chủ thể vừa tham gia tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, thanh niên cần quan tâm đến nông nghiệp nông thôn và khởi nghiệp - những lĩnh vực khó nhất, đang chịu nhiều áp lực nhất hiện nay.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã tiếp nhận, giải đáp một số đề xuất, câu hỏi của các đại biểu tham dự về việc tìm ra những giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng bền vững; hỗ trợ thanh niên ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, đặc biệt là vấn đề giống cây trồng, vật nuôi; bổ sung nguồn lực cho các địa phương xây dựng nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ chung.
Cần có cơ chế phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng
Hỗ trợ ứng dụng các phát minh, sáng chế khoa học vào thực tiễn, tạo cơ chế phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ là mong muốn của nhiều bạn trẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” khi tham gia đối thoại với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. Cùng tham dự Diễn đàn có Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phi Long.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và xã hội đã quan tâm đầu tư, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Thanh niên, đặc biệt là trí thức trẻ Việt Nam cần phát huy tiềm năng trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung liên quan đến chính sách đào tạo, sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là cán bộ trẻ có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên; giải pháp thúc đẩy hoạt động sáng tạo của thanh thiếu nhi; cơ chế phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng từ các trường Đại học, viện nghiên cứu làm hạt nhân hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ khởi nguồn từ kết quả nghiên cứu...
Khởi nghiệp, việc làm - cơ hội và thách thức của thanh niên Việt Nam
Tại Diễn đàn đối thoại "Khởi nghiệp, việc làm - Cơ hội, thách thức của thanh niên Việt Nam", Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thanh niên liên quan đến công tác định hướng nghề nghiệp; giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục phát triển.
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu quan tâm về công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động đối với thanh thiếu niên chưa thật sự hiệu quả, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Vấn đề quan tâm của thanh niên là phải có việc làm và thu nhập ổn định. Cách hướng nghiệp tốt nhất là xã hội định hướng và mỗi người tự chọn công việc phù hợp nhất với mình. Vào đại học là hướng đi chính đáng, cần thiết nhưng đó không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2018 sẽ là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp. Bởi một trong những khâu đột phá trong bồi dưỡng đào tạo phát triển nhân lực chính là giáo dục nghề nghiệp. Hiện, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang lấy ý kiến xây dựng Đề án đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 nhóm giải pháp lớn. Hướng tới giáo dục nghề nghiệp phải làm sao lượng người học đông lên, học nghề ra có việc làm và thu nhập ngày càng cao hơn.
Phát huy vai trò thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Cũng trong khuôn khổ Đại hội, Diễn đàn "Thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc" do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đồng chủ trì đã diễn ra với sự tham dự của 150 đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến đóng góp của đại diện thế hệ trẻ về những vấn đề liên quan đến giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; làm rõ vai trò của thanh niên trong gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc, phát triển du lịch văn hóa và nâng cao thể chất con người.
Đồng thời, nhiều ý kiến đề xuất một số giải pháp hiệu quả quản lý nhà nước với các ấn phẩm văn hóa, tác phẩm nghệ thuật, bản quyền tác giả; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, thanh niên trong việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tập trung vào văn hóa dân cư, văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng đề cao việc phát huy vai trò của hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử, địa chỉ "đỏ" trong giáo dục thanh thiếu niên hiện nay; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao nhằm nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên.
Nhiều đại biểu đã đề xuất phương án phối hợp giữa Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên…
Tạo điều kiện cho sự phát triển của thanh niên Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn "Chính sách phát triển thanh niên", Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Chính sách, pháp luật đối với thanh niên là sự cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng thành các chế định pháp luật và hệ thống những chỉ tiêu chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án...
Mục tiêu phát triển thanh niên trong thời gian tới là xây dựng, thực hiện đầy đủ các chính sách phát triển thanh niên trên tất cả các lĩnh vực nói chung và nhóm thanh niên nói riêng để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Với trách nhiệm được giao, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đối với thanh niên; phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đổi mới việc xây dựng, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên…
Bộ cũng sẽ lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng dự án Luật Thanh niên sửa đổi theo hướng tiếp cận quyền của thanh niên được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phối hợp triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
Khơi dậy, hun đúc ý tưởng mới, sáng tạo của thanh niên
"Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển" là chủ đề của cuộc đối thoại giữa Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đại diện thanh niên dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI.
Tham gia diễn đàn, đại diện thanh niên đã đặt ra câu hỏi đối với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về giải pháp hỗ trợ, tìm kiến nguồn lực hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; công tác giáo dục đạo đức lối sống thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm; đổi mới phương pháp dạy và học trong giáo dục phổ thông; công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp phổ thông; việc ứng dụng tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tạo cơ chế để các trường trung học phổ thông, trường dạy nghề, cao đẳng đưa nội dung Chương trình khởi nghiệp vào chính khóa, nhằm khơi dậy, khuyến khích, hun đúc những ý tưởng mới, sáng tạo và độc đáo của học sinh ngay từ đầu; xây dựng bộ công cụ triển khai thực hiện công tác truyền thông, hỗ trợ khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong đó chú trọng về kiến thức, kết nối thị trường và công nghệ.../.