Đổi tên theo hướng quốc tế
Ngày mai (23/4), Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON (mã FCN) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Đại hội lần này nhằm trình bày và thông qua nhiều nội dung để định hướng phát triển cho FECON trong thời gian tới, trong đó đáng chú ý là mục tiêu kinh doanh năm 2016 và kế hoạch thay đổi tên Công ty, đồng thời bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Cụ thể, HĐQT sẽ đề xuất với các cổ đông việc đổi tên công ty từ “Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON” thành “Công ty cổ phần FECON” (FECON Corporation). HĐQT nhận thấy, việc đổi tên phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của Công ty về cả lĩnh vực kinh doanh, quy mô doanh nghiệp và hợp tác quốc tế.
“Tên Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON hiện tại không bao phủ được toàn bộ lĩnh vực mà Công ty đang hướng tới là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng và hạ tầng môi trường”, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON lý giải.
Hiện tại, ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, FECON đã tham gia nhiều dự án giao thông và đạt một số thành công trong thời gian qua. Chỉ một thời gian ngắn sau khi trở thành cổ đông chiến lược tại 2 doanh nghiệp giao thông lớn là Cienco 1 và TEDI, FECON đã tham gia thực hiện Dự án BOT đường tránh Phủ Lý, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2016. Ngoài ra, FECON cũng đang tham gia một số dự án khác như thi công cọc Dự án Cầu vượt sông Bình Hương - Hạ Long, Dự án công trình ngầm metro Hà Nội tuyến số 3.
Đối với lĩnh vực hạ tầng năng lượng và hạ tầng môi trường, FECON mới chỉ đặt chân vào thông qua một số hợp đồng thi công cọc tại các dự án như Nhiệt điện Long Phú 1 (giá trị 150 tỷ đồng), Nhà máy Lọc dầu Long Sơn (100 tỷ đồng), Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (47 tỷ đồng)…
Tuy nhiên, nếu dựa vào ước tính tổng giá trị hợp đồng đã và sẽ ký kết trong năm 2016 đạt 4.000 tỷ đồng của FECON, chuyên gia Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) đánh giá, 50% giá trị vẫn sẽ đến từ mảng cốt lõi là thi công cọc. Trong khi đó, mảng hạ tầng sẽ chỉ chiếm khoảng 20%. “Chúng tôi dự phóng doanh thu 2016 sẽ đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 50% theo năm và lợi nhuận sau thuế đạt 174 tỷ đồng, tăng 22,8% theo năm”, chuyên gia của VPBS nhận định.
Có liên quan đến nới room?
Câu chuyện FECON muốn đổi tên có lẽ không đơn giản chỉ để thể hiện tham vọng phát triển trong lĩnh vực hạ tầng hay hợp tác quốc tế. Từ sau khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài chính thức được ban hành, thị trường chứng khoán đã “râm ran” tin đồn FECON có ý định nới room khối ngoại lên 100%.
Mặc dù tài liệu Đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày mai không nhắc tới việc đề nghị các cổ đông thông qua việc nới room, nhưng có thể thấy một số động thái của FECON đang nhắm tới việc này. Cụ thể, bên cạnh việc dự kiến bổ sung một số ngành nghề mới trong Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp liên quan đến giáo dục, nhân lực, dịch vụ vệ sinh…, Tờ trình Sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của FECON có nhắc đến vấn đề “rút ngành, nghề đăng ký kinh doanh” để “phù hợp mục đích và phạm vi hoạt động kinh doanh của Công ty”.
Tuy FECON chưa công bố nội dung sửa đổi, nhưng có thể thấy ý định rút ngành nghề kinh doanh này khá tương đồng với một số doanh nghiệp dự định nới room trong thời gian qua như VNM, TNG…
Theo Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp cũng đang có ý định nới room lên 100%, việc nới room sở hữu khối ngoại lên 100% sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tính minh bạch, đồng thời thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia HĐQT, qua đó cải thiện khả năng quản trị.
Chuyên gia của VPBS cũng cho rằng, nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận cho nới room, cổ phiếu FCN sẽ tăng tính hấp dẫn đối với nguồn vốn ngoại và có thể là động lực đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn.