Chuyển giao công nghệ được thực hiện chủ yếu từ các công ty xuyên quốc gia (TNCs). Trong ảnh: Sản xuất thiết bị di động trên dây chuyền công nghệ hiện đại tại nhà máy của Samsung. |
Khái niệm chuyển giao công nghệ được nhiều tổ chức quốc tế coi là “chuyển giao và tiếp nhận công nghệ qua biên giới thông qua thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài hoặc chuyển giao và tiếp nhận tự giác hay không tự giác (học tập, hội thảo khoa học, tình báo kinh tế...)”.
Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 định nghĩa “chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. chuyển giao công nghệ có thể tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài”.
FDI đóng vai trò quan trọng đối với chuyển giao công nghệ, được thực hiện bằng chuyển giao công nghệ sẵn có từ bên ngoài vào và nghiên cứu ứng dụng, cải tiến và phát triển công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Các doanh nghiệp FDI tạo ra mối quan hệ liên kết cung cấp dịch vụ công nghệ từ các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong nước. Từ đó, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiến hành nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua việc học cách thiết kế, chế tạo, tiếp thu công nghệ nguồn, sau đó cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tế và biến chúng thành công nghệ của mình.
chuyển giao công nghệ được thực hiện chủ yếu từ các công ty xuyên quốc gia (TNCs). Đây là nguồn lực luôn được các nước đang phát triển quan tâm với nhiều ưu đãi khi thu hút FDI. Đồng thời, TNCs đầu tư thành lập các trung tâm R&D tại nước tiếp nhận FDI, mà phần lớn hoạt động R&D này nhằm cải biến công nghệ cho phù hợp với điều kiện sử dụng của địa phương.
Tuy vậy, chuyển giao công nghệ thông qua FDI cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với nước tiếp nhận vốn đầu tư; nếu không biết lựa chọn, giám định thì có thể tiếp nhận công nghệ lạc hậu, công nghệ không phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của đất nước, tiêu hao nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường.
Hiện tượng phổ biến trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI là giá cả cao hơn nhiều so với mua công nghệ của các nước phát triển. Do vậy, khi thương thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ, cần có chuyên gia tư vấn am hiểu thị trường công nghệ quốc tế để bảo vệ lợi ích chính đáng của bên tiếp nhận công nghệ.
TNCs rất hạn chế chuyển giao những công nghệ mới, có tính cạnh tranh cao cho các chi nhánh của họ ở nước ngoài vì sợ lộ bí mật hoặc mất bản quyền công nghệ do việc bắt chước, cải biến công nghệ của các doanh nghiệp trong nước.
Thành quả to lớn của thu hút FDI vào Việt Nam đã được khẳng định, trong đó chuyển giao công nghệ được đánh giá khá thành công ở một số ngành và lĩnh vực kinh tế, nhưng cũng nảy sinh những vấn đề đòi hỏi phải điều chỉnh luật pháp, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, FDI đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong nước. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến của thế giới như: bưu chính - viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường, khách sạn, văn phòng cho thuê... Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới hoặc nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao của nền kinh tế. Do đó, Việt Nam đã sản xuất được nhiều sản phẩm mới mà trước đây chưa có; hạn chế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa thuộc các lĩnh vực như dầu khí, vật liệu xây dựng, điện tử gia dụng, phương tiện giao thông...
Các doanh nghiệp FDI đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, kiểu dáng hợp thời trang, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu như máy tính, smartphone, điện tử gia dụng, cơ khí chế tạo.
Do sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ sản phẩm của doanh nghiệp FDI, nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhập thiết bị và công nghệ mới, lập bộ phận hoặc trung tâm R&D. Do đó, họ đã sản xuất được sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, thay thế hàng hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Dầu khí và truyền thông là hai ngành kinh tế nhờ chuyển giao công nghệ và R&D gắn với FDI nên đã phát triển với tốc độ nhanh, hiện đại, tiến kịp trình độ thế giới. Cụ thể, các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí đều có quy định về chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật, nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không những làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại và phức tạp trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa của nước ta, mà còn có năng lực về công nghệ và nhân lực tham gia một số liên doanh ở nước ngoài.
So với 30 năm trước, ngành truyền thông Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, bắt đầu từ hợp tác với một số doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông và áp dụng cơ chế cạnh tranh từ những năm cuối thế kỷ XX; nhiều công nghệ hiện đại đã được chuyển giao và ứng dụng thành công như mạng viễn thông số hóa, mạng cáp quang, công nghệ GSM và CDMA, đặc biệt là công nghệ 4G đã được một số doanh nghiệp viễn thông bắt đầu áp dụng.
Một số công nghệ mới như WiMax và mobile TV đang được tiếp tục thử nghiệm để đưa vào ứng dụng. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, thương mại điện tử tăng nhanh. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai thành công một số hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông với hai cường quốc lớn là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong Bảng Xếp hạng về năng lực cạnh tranh công nghiệp của UNIDO năm 2016, Việt Nam đứng thứ 50 trên tổng số 141 nước được xếp hạng, tăng 44 bậc so năm 1990. Tuy vậy, trong ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trên Philippines (hạng 53) và Campuchia (hạng 90).
Về chỉ số giá trị gia tăng công nghiệp chế biến/người (MVA), Việt Nam tăng từ 173,6 USD năm 2009 lên 235,6 USD năm 2013, đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước (Singapore thứ 1, Malaysia thứ 41, Thái Lan thứ 49). Nếu không đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn, thì cần khoảng 20 năm mới có thể đạt mức 1.000 USD của các nước công nghiệp phát triển.
Một nguyên nhân quan trọng là chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại của nước ta. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, khoảng 5-6% sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, trong khi mục tiêu là 35 - 40%.
Mặc dù các công nghệ chuyển giao vào Việt Nam phần lớn có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở trong nước, nhưng mới chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực. Công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI chủ yếu do lợi ích của nhà đầu tư, nên có tình trạng gây ô nhiễm môi trường, phát thải nhiều khí các-bon.
Bên cạnh đó, chính quyền một số tỉnh, thành phố và Ban quản lý KKT, KCN chưa chú ý nâng cao năng lực thẩm định để lựa chọn dự án FDI công nghệ cao, hiện đại gắn với chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện có hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới. Không ít trường hợp do dễ dãi trong việc thẩm tra năng lực nhà đầu tư nên đã nhập khẩu máy móc, thiết bị qua sử dụng, lạc hậu, đã bị thải loại ở nước ngoài.
Để chuyển giao công nghệ gắn với FDI đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, thì cần chú trọng cả chính sách thu hút FDI và ưu đãi khi chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của quốc gia, thiết lập quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa doanh nghiệp FDI, nhất là TNCs với doanh nghiệp trong nước về chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua nhiều phương thức với tiền đề là nâng cao năng lực tiếp nhận, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Để thực hiện được mục tiêu đó, cần sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản pháp luật liên quan theo hướng bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, giám sát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ và chỉ thực hiện chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được thực hiện có kết quả.
PVN đã làm chủ nhiều công nghệ hiện đại nhờ chuyển giao công nghệ
PVN đã áp dụng các phần mềm xử lý và minh giải tài liệu địa chấn, mô hình hóa và mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, công nghệ khai thác của các hãng Schlumberger, Landmark, GeoQuest… đạt được hiệu quả kinh tế cao.
PVN ứng dụng công nghệ sinh học và hoá học để nâng cao hệ số thu hồi dầu trong khai thác thứ cấp ở các mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen. Các nhà khoa học Việt Nam và Nga đã nghiên cứu, sáng tạo công nghệ khai thác các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam ở mỏ Bạch Hổ bể Cửu Long, góp phần duy trì sản lượng khai thác hàng năm của PVN, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng vào lý thuyết khoa học dầu khí thế giới.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Nhà máy Đạm Cà Mau của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã tiếp nhận những công nghệ thuộc loại tiên tiến nhất thế giới hiện nay.
Các doanh nghiệp trong nước cần chủ động trong việc tìm kiếm các kênh chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng mua phát minh, bản quyền, thương quyền, hợp tác nghiên cứu với cơ quan, tổ chức trong nước, chuyển giao công nghệ thông qua FDI, không bị động trong việc tìm kiếm công nghệ thích hợp với từng doanh nghiệp.
Những phương thức chuyển giao công nghệ gắn với thu hút FDI khá thành công trong nhiều ngành kinh tế, nhất là dầu khí và viễn thông cần được doanh nghiệp trong nước coi là hình mẫu để ứng dụng vào các ngành và các địa phương thich ứng với tình hình thực tế, nhằm làm cho công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi ở nước ta để tạo ra năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao hơn.
Chính quyền tỉnh, thành phố và Ban quản lý KKT, KCN, trong khi tiếp nhận dự án FDI, cần coi chuyển giao công nghệ như một yếu tố quan trọng khi thẩm định dự án và quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư, sau đó theo dõi việc thực hiện chuyển giao công nghệ để áp dụng chính sách ưu đãi, xử lý những trường hợp không hoặc tìm cách trì hoãn việc chuyển giao công nghệ. Đây là một trong những đòi hỏi của định hướng mới về FDI khi nước ta cần đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.