“Được mùa” các công trình về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thềm xuân mới, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm từ Bắc chí Nam đã về đích. Nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm nay, góp phần kết nối các địa phương, mở ra không gian phát triển mới.

1. Đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở

Ảnh: Lê Tiên

Ảnh: Lê Tiên

Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) có tổng mức đầu tư 9.400 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đã thông xe. Hiện nhà thầu đang gấp rút thi công đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Vĩnh Tuy với chiều dài khoảng 3km, chuẩn bị khớp nối với đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. Tại Ngã Tư Vọng, nút giao thông tại đây được bố trí 3 tầng, cao nhất là đường Vành đai 2 trên cao (28m). Toàn bộ Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

2. Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Ảnh: Vũ Long

Ảnh: Vũ Long

Sáng 13/1/2021, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được khánh thành và đón hành khách thứ một triệu sau hơn 2 tháng vận hành. Trước đó, ngày 6/11/2021, Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao Dự án cho UBND TP. Hà Nội để Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội vận hành giai đoạn đầu. Dự án có tổng chiều dài 13km, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2011, là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên tại Việt Nam.

3. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 là dự án thủy lợi có quy mô lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được bàn giao, hoàn thành. Trong đó, hai "siêu cống" Cái Lớn, Cái Bé hiện là cống lớn nhất miền Tây nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt, lợ), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững với vùng hưởng lợi có diện tích tự nhiên 384.120 ha. Ngoài ra, công trình này còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, xâm nhập mặn...

4. Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất

Ảnh: Song Lê

Ảnh: Song Lê

Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được khởi công xây dựng vào ngày 1/7/2020, bao gồm 2 phần là nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L và xây dựng mới các đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh với tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng. Ngày 30/11/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định về việc đưa vào khai thác đường cất hạ cánh 25R/07L và các đường lăn P1, P2, P3, P4, P5, P6 với hệ thống mặt đường làm mới và lắp hệ thống đèn hiệu theo công nghệ đèn LED giúp tăng cường năng lực khai thác và an toàn bay.

5. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Cuối tháng 1/2022, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với chiều dài 51km đã được đưa vào phục vụ người dân lưu thông. Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với điểm đầu là nút giao cao tốc tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành và điểm cuối là nút giao Quốc lộ 30, huyện Cái Bè (nối tỉnh Đồng Tháp). Tổng vốn đầu tư Dự án được điều chỉnh lần cuối là 12.228 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia là 2.186 tỷ đồng.

6. Cầu Thủ Thiêm 2

Ảnh: Song Lê

Ảnh: Song Lê

Những ngày cuối năm, các nhà thầu tập trung thi công các nhà N1, N2 của Dự án BT cầu Thủ Thiêm 2 tại TP.HCM, đồng thời tiếp tục thi công hạng mục trụ chính dây văng và hoàn thiện lan can, mặt cầu. Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thiện vào 30/4/2022 để kết nối trung tâm Quận 1 với khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.

7. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Ảnh: Đỗ Giang

Ảnh: Đỗ Giang

Ngay trong ngày đầu năm 2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có chiều dài hơn 80km, đoạn tuyến cuối cùng của cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, đã được thông xe kỹ thuật. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.195 tỷ đồng, kết hợp đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuyến cao tốc này cũng kết nối với tuyến cao tốc dài nhất nước ta là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây.

8. Đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả

Ảnh: Đỗ Giang

Ảnh: Đỗ Giang

Dự án Đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả được đưa vào khai thác ngày 1/1/2022. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, dài 18,6km, quy mô 6 làn xe, góp phần kết nối nhanh giữa 2 thành phố lớn nhất của Quảng Ninh thay vì chỉ có Quốc lộ 18 như lâu nay, mở ra một không gian phát triển mới cho Tỉnh, nhất là lợi thế về mặt biển. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 9/2019, trong đó, hạng mục đường hầm xuyên núi dài 235m được coi là phần việc khó nhất của Dự án.

Chuyên đề