Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Italy Giuseppe Conte Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng, Canada, tháng 6/2018.
Nhân dân Việt Nam vui mừng chia sẻ những thành tựu về mọi mặt mà Italy đạt được trong thời gian qua. Italy hiện là nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới, với hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả, đóng góp tới gần 2/3 tổng giá trị GDP của đất nước.
Italy đang đẩy mạnh quan hệ thương mại với các nền kinh tế châu Á và các nước thành viên ASEAN, trong đó ưu tiên thúc đẩy thương mại với Việt Nam. Ðầu tư của Italy ra nước ngoài còn khiêm tốn so với các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên tăng mạnh từ năm 2000. Tổng giá trị đầu tư của Italy tại nước ngoài tính đến đầu năm 2018 là khoảng 608 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Italy thực hiện chính sách ngoại giao năng động trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, như khủng hoảng người nhập cư và bất ổn tài chính.
Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.
Italy là nước Tây Âu đầu tiên ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU, bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 1990. Việt Nam và Italy thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, tạo động lực mạnh mẽ phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, nổi bật là chuyến thăm Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 1/2013 và Chủ tịch nước Trần Ðại Quang tháng 11/2016. Thủ tướng Italy Matteo Renzi thăm Việt Nam tháng 6/2014 và Tổng thống Sergio Mattarella thăm Việt Nam tháng 11/2015. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Conte có cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao G7 mở rộng tháng 6/2018.
Hai bên phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và các tổ chức đa phương. Hai nước đã xây dựng được nhiều cơ chế phối hợp, như Ðối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Ðối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng, Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế… Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Italy khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Ðông - Nam Á.
Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước đang phát triển năng động. Italy là một trong những nước Tây Âu đầu tiên nối lại và phát triển các quan hệ hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ ngưng đọng (giai đoạn 1979 - 1989). Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trong những năm qua, đạt 4,67 tỷ USD năm 2018. Hiện Italy là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN. Tính đến đầu năm 2018, Italy đứng thứ 32 trong 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 86 dự án đầu tư đạt tổng số vốn 388 triệu USD. Chính phủ Italy đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư.
Về hợp tác phát triển, Italy bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam vào những năm 1980. Hiện nay, Chính phủ Italy hỗ trợ Việt Nam trong 11 dự án đang triển khai và sáu dự án trong giai đoạn chuẩn bị, với tổng số vốn cam kết hơn 100 triệu Euro. Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, du lịch diễn ra sôi nổi. Việt Nam đang nổi lên là một trong những địa điểm du lịch thu hút du khách Italy với gần 60.000 khách Italy đến Việt Nam năm 2017. Italy cũng là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi tham quan châu Âu. Cộng đồng người Việt Nam hiện có gần 5.000 người cư trú ổn định tại Italy.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhằm khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy; thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư.