Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định cơ chế bắt buộc áp dụng hệ thống định mức đối với các dự án đầu tư công |
Tuân thủ 3 nhóm chính sách
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách. Cụ thể, nhóm 1 là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; thẩm quyền, trình tự, đối tượng cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng; hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng; nguyên tắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng vật liệu xây dựng; quy định về phân loại, phân cấp công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng; bổ sung giải thích từ ngữ, một số khái niệm; quy định về các cấp độ quy hoạch xây dựng khu chức năng…
Nhóm hai là, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng, gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực xây dựng...
Nhóm ba là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan, gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: quản lý đầu tư xây dựng theo nguồn vốn sử dụng; đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quy định về cấp giấy phép đối với công trình quảng cáo...
Một số nội dung chủ yếu của Dự thảo Luật có liên quan tới các pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp gồm: bổ sung vào Điều 2 nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công tại nước ngoài; sửa đổi, bổ sung Điều 4 về nguyên tắc đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 7 theo hướng bổ sung quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị...
Sửa đổi, bổ sung Điều 49 về phân loại dự án theo hướng làm rõ các tiêu chí phân loại dự án để xác định các phương thức quản lý phù hợp và phân cấp quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng. Sửa đổi việc phân loại dự án đầu tư xây dựng theo các nguồn vốn: dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công; dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước theo pháp luật có liên quan không bao gồm vốn đầu tư công (gọi tắt là vốn nhà nước ngoài đầu tư công); dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP); dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác.
Việc phân loại dự án nhằm phân định các mức độ quản lý nhà nước khác nhau theo nguồn vốn. Theo đó, dự án sử dụng vốn đầu tư công được kiểm soát chặt chẽ, toàn diện, thống nhất với pháp luật về đầu tư công; đối với dự án có sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP, ngoài việc kiểm soát tuân thủ quy hoạch, quy chuẩn tiêu chuẩn... như các nguồn vốn khác, thì cần bổ sung một số quy định về kiểm soát chi phí để đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí vốn nhà nước.
Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 50 theo hướng quy định về phân chia dự án thành phần tại giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư. Sửa đổi, bổ sung Điều 52 theo hướng quy định đối tượng dự án phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định tại Luật Xây dựng.
Cần rà soát, bổ sung, làm rõ thêm
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng theo Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở… Trong đó có cả những dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua trong thời gian tới (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Cho ý kiến thẩm tra về Dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát lại để quy định thống nhất với pháp luật về doanh nghiệp, quản lý sử dụng vốn nhà nước, đầu tư, đầu tư công… liên quan đến thẩm quyền quyết định đầu tư và trách nhiệm quản lý của các chủ thể đối với dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo nguồn vốn sử dụng.
Về thẩm định dự án đầu tư xây dựng, Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ thêm việc quy định phân cấp, nâng cao trách nhiệm cho chủ đầu tư, còn cơ quan quản lý nhà nước tập trung thẩm định yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường, lợi ích cộng đồng của dự án; quy định thẩm quyền quyết định đầu tư bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Doanh nghiệp; quy định cụ thể về “quy mô lớn”, “ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng”.
Trong Dự thảo Luật có bổ sung tiêu chí xác định công trình cấp bách; loại công trình này được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết bổ sung quy định về xây dựng công trình cấp bách trong Dự thảo Luật; rà soát các quy định về loại công trình này trong pháp luật có liên quan như đầu tư, đầu tư công, đấu thầu, phòng, chống thiên tai... Bởi vì, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phòng, chống thiên tai, địch họa và các yêu cầu khẩn cấp khác, Luật Xây dựng đã có quy định về công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.
Đối với quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của sự thay đổi trong quy định về áp dụng định mức chi phí; từ cơ chế chủ đầu tư sử dụng, tham khảo, tự nguyện đến cơ chế bắt buộc áp dụng định mức do cơ quan nhà nước ban hành. Quy định cơ chế bắt buộc áp dụng hệ thống định mức đối với các dự án đầu tư công và quy định cơ chế vận dụng đối với các dự án PPP; quy định chi phí quản lý dự án, đặc biệt là đối với dự án có cấu phần xây dựng không lớn, triển khai trong thời gian dài chưa thực sự hợp lý.
Theo Chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ cho ý kiến tại tổ đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng vào ngày 19/11. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường đối với Dự án Luật này vào ngày 27/11 trước khi kết thúc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.