Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Bổ sung chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Dự thảo Luật bổ sung 68 điều, gồm các nội dung về chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, đến giai đoạn hiện nay, vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định của Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn.

Đó là quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

Cùng với đó là chính sách quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Trong đó, tại Chương II Quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực tại Dự thảo Luật gồm 4 mục với 22 điều, trong đó nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu về yêu cầu đặc thù của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh nhằm làm rõ đối tượng quản lý quy hoạch theo phân cấp (quốc gia, tỉnh); bổ sung cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện, theo dõi tiến độ và cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ nhằm quản lý tiến độ các dự án điện; quy định việc đầu tư, xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện; bổ sung quy định về hợp đồng dự án đối với dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức PPP áp dụng loại hợp đồng BOT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đứng trước yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) sớm nhất có thể để triển khai trong thực tiễn. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật này theo quy trình một kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ủy ban KHCN&MT) của Quốc hội, cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi); hồ sơ Dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Tuy nhiên, về đề nghị của Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp vào Kỳ họp thứ 8, ông Lê Quang Huy cho biết, đa số thành viên Ủy ban KHCN&MT và một số Ủy ban của Quốc hội cho rằng đó là mục tiêu rất cao, rất thách thức, không đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Liên quan tới việc lựa chọn nhà đầu tư (từ Điều 26 đến Điều 28 Dự thảo Luật), Ủy ban KHCN&MT đề nghị bổ sung, sửa đổi các quy định về lập hồ sơ, xác định phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; quy định rõ về tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện thông qua phương thức đấu thầu; về cơ sở, phương pháp xác định tiêu chí giá điện (theo giá thấp nhất), trách nhiệm của chủ thể quyết định tiêu chí giá điện để đấu thầu; về quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư bảo đảm nhất quán, rõ ràng trong quá trình áp dụng pháp luật, tránh mâu thuẫn có thể phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án điện lực.

Trích Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội chiều ngày 21/10/2024

Mục 3

LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐIỆN LỰC

Điều 26. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực

1. Lựa chọn nhà đầu tư các dự án được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:

a) Lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công;

b) Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án điện lực quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Dự án khẩn cấp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật này;

d) Lựa chọn nhà đầu tư điện gió ngoài khơi thực hiện theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Luật này;

đ) Các dự án không thuộc điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản này thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dựa trên nguyên tắc là mức trần giá điện nằm trong khung giá do Bộ Công Thương ban hành tại năm đấu thầu và nguyên tắc xác định giá điện chiếm trọng số điểm lớn.

2. Các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Các dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư;

b) Các dự án thuỷ điện mở rộng và dự án cải tạo hoặc nâng cấp lưới điện được chấp thuận cho nhà đầu tư sở hữu dự án hiện hữu;

c) Các dự án nguồn điện tự sản xuất tự tiêu thụ;

d) Các dự án tại khoản 4 Điều 14 Luật này;

đ) Các dự án sử dụng vốn nhà nước được xác định theo điểm d khoản 3 Điều 14 Luật này do doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ đề xuất đầu tư.

3. Các dự án thay đổi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

4. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 27. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công

1. Thẩm quyền tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như sau:

a) Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án do mình chấp thuận chủ trương đầu tư.

2. Hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, các dự án điện lực phải thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Hồ sơ mời thầu được lập trên cơ sở các tài liệu sau: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án điện lực, dự thảo hợp đồng mua bán điện được cơ quan tổ chức đấu thầu thống nhất với Bên mua điện trên cơ sở Hợp đồng mua bán điện mẫu được sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc điểm cụ thể từng dự án.

4. Căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng và điều kiện cho phép về tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính của nền kinh tế, theo từng thời kỳ Chính phủ quy định các cơ chế cụ thể về: nguyên tắc giá, chuyển ngang giá khí sang giá điện, đảm bảo tiêu thụ hết khí khai thác trong nước, cam kết sản lượng điện tối thiểu dài hạn đối với nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, các cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước, bảo đảm của nhà nước để thực hiện dự án đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu, đặc biệt là các loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới để đảm bảo thực hiện các dự án trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

5. Bộ Công Thương ban hành mẫu hồ sơ mời thầu để đấu thầu lựa chọn nhà đầu dự án điện lực (bao gồm cả mẫu hợp đồng mua bán điện giữa nhà đầu tư trúng thầu và bên mua điện).

6. Bên mua điện có trách nhiệm đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực. Giá điện trúng thầu được phê duyệt là giá tối đa để bên mua điện đàm phán, ký hợp đồng với nhà đầu tư trúng thầu.

7. Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày phê duyệt kết quả đấu thầu, chủ đầu tư phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng dự án điện lực. Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện lực, Bên mua điện và nhà đầu tư trúng thầu thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở các chi phí hợp lý, hợp lệ tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án điện lực được duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.

Điều 28. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư

1. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

2. Trong quá trình đấu thầu, cơ quan tổ chức đấu thầu được áp dụng khoản 4 Điều 27 Luật này để thực hiện.

Chuyên đề