Dự án ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An (Quảng Nam): Lo mất vốn, chủ đầu tư cấp tập đòi tạm ứng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến 31/12/2023 là thời hạn hoàn thành Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, trong đó có Gói thầu Gói thầu HA/W4 Nâng cấp, cải tạo đường ĐT.608. Thay vì gỡ vướng mặt bằng để thi công, có khối lượng để giải ngân, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu hoàn ứng trước thời hạn hợp đồng 2 tháng rưỡi và chưa đạt 80% khối lượng công việc theo quy định.
Không thể giải phóng và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, Gói thầu ĐT 608 từ nguồn vay ADB đã hết thời hạn hiệp định vay, khả năng cao sẽ mất vốn
Không thể giải phóng và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, Gói thầu ĐT 608 từ nguồn vay ADB đã hết thời hạn hiệp định vay, khả năng cao sẽ mất vốn

Giữa tháng 10/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam (gọi tắt là Ban Giao thông) gửi văn bản đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bình Định đề nghị hoàn trả tiền tạm ứng còn lại của Hợp đồng Gói thầu HA/W4 Nâng cấp, cải tạo đường ĐT.608 thuộc Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, với số tiền hơn 8,6 tỷ đồng.

Đây là số tiền tạm ứng còn lại trong quá trình thực hiện hợp đồng gói thầu trị giá 109,139 tỷ đồng giữa Ban Giao thông và Liên danh Cienco 5 - Thế Thịnh - Xây dựng công trình 545 tại gói thầu trên. Thời hạn thực hiện từ tháng 8/2020 - 9/2022; điều chỉnh gia hạn đến 31/12/2023, hợp đồng theo đơn giá cố định. Đến thời điểm này, Ban Giao thông đã gửi 3 văn bản với nội dung tương tự đến BIDV Bình Định hối thúc Ngân hàng thu hồi tiền tạm ứng từ Nhà thầu với lý do là không có mặt bằng để thi công, không có khối lượng, không thể giải ngân và thanh quyết toán.

Theo Nhà thầu, tổng số tiền tạm ứng tại Gói thầu là 20,751 tỷ đồng. Căn cứ trên khối lượng công việc đã được Chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán là 48,566 tỷ đồng, đạt 45% giá trị hợp đồng, chưa đạt tỷ lệ 80% theo quy định của hợp đồng và thư bảo lãnh tạm ứng nên Nhà thầu chưa phải hoàn trả số tiền hơn 8,6 tỷ đồng tạm ứng.

Công trường thi công đường ĐT.608. Nhà thầu tận dụng mặt bằng đến đâu, thi công đến đó.

Công trường thi công đường ĐT.608. Nhà thầu tận dụng mặt bằng đến đâu, thi công đến đó.

Đồng thời, bảo lãnh tạm ứng có điều kiện do BIDV Bình Định nêu rõ hai nội dung trong tình huống để thu hồi tạm ứng: Bên đề nghị bảo lãnh đã sử dụng tiền tạm ứng cho các mục đích khác không phải là chi phí huy động liên quan đến công trình; hoặc Bên đề nghị bảo lãnh không trả lại tiền tạm ứng theo các điều khoản của hợp đồng, trường hợp này phải nêu rõ số tiền tạm ứng mà Bên đề nghị bảo lãnh không trả lại. Tuy nhiên, trong 3 văn bản mà Ban Giao thông gửi BIDV Bình Định không đề cập đến 2 điều kiện này, chỉ nêu là do chậm bàn giao mặt bằng và thời hạn thi công sắp hết. Theo Nhà thầu, đây không phải là điều kiện để Ban Giao thông yêu cầu hoàn trả bảo lãnh. Do đó, Nhà thầu đã thông tin đến BIDV Bình Định chưa thực hiện thu hồi và hoàn tiền tạm ứng.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng, trong hợp đồng của Gói thầu, tại Điều 30.1 có nêu: nếu Nhà thầu cho rằng Giám đốc Dự án đưa ra quyết định vượt quá quyền hạn mà hợp đồng quy định hoặc quyết định đó là không đúng thì tranh chấp phải được đưa lên hòa giải viên trong vòng 14 ngày kể từ ngày Giám đốc Dự án thông báo quyết định đó.

“Ban Giao thông đã không chỉ định hòa giải viên trong quá trình thực hiện hợp đồng; việc Ban Giao thông phát văn bản thu hồi tạm ứng trước thời hạn hợp đồng 75 ngày đã không đúng theo quy định trong thư bảo lãnh và Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn thu hồi vốn tạm ứng đầu tư công, bao gồm: vốn tạm ứng được thu hồi qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng; mức thu hồi từng lần do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu, được quy định cụ thể trong hợp đồng và đảm bảo thu hồi hết khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng. Căn cứ vào yêu cầu của Ban Giao thông đối với BIDV Bình Định, các nội dung này không có cơ sở pháp lý và không đúng theo quy định hợp đồng. Vì vậy, nếu nghiên cứu thấy Giám đốc Ban Giao thông vượt quyền, thì Nhà thầu có thể khởi kiện trực tiếp lên Tòa án”, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Cũng theo vị luật sư này, trong trường hợp bắt buộc phải dừng dự án do không có mặt bằng thi công, nhà thầu có quyền đề nghị chủ đầu tư thanh toán các chi phí phát sinh liên quan mà nhà thầu đã bỏ ra để duy trì ban điều hành, ca máy, nhân công, mở đường công vụ... Đồng thời, đề nghị Ban Giao thông thu hồi các Công văn đã gửi đến BIDV Bình Định để đảm bảo quy định, tránh khiếu kiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Nhà thầu cho biết đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho tiếp tục gia hạn hợp đồng để thi công hoàn thành Dự án. Điều này đúng với nội dung trong Quyết định số 424/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký tháng 4/2023 điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến 31/12/2023, nêu rõ: trường hợp Dự án vẫn chưa hoàn thành sau thời gian gia hạn, huỷ bỏ số vốn vay ADB chưa sử dụng, tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành.

Dù vậy, theo đại diện Ban Giao thông, việc tiếp tục gia hạn tiến độ thi công Gói thầu là không thể. Còn nếu muốn đầu tư tiếp bằng ngân sách địa phương thì phải lập thủ tục đầu tư như dự án mới. "Ở tình huống này, Chủ đầu tư không nói Nhà thầu chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, gần hết hạn hợp đồng thì phải thu hồi tạm ứng. Hơn nữa, đặc thù vay vốn ODA với quy định khắt khe, thời gian trả nợ tính từng ngày. Thực tế là Quảng Nam đã rút, chịu phí và lãi nên cần có thời gian thu hồi và giải ngân kịp thời, nếu không sẽ bị kiểm toán, thanh tra gọi là sử dụng vốn xấu", đại diện Chủ đầu tư cho biết.

Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP. Hội An (nhóm A) có tổng vốn đầu tư 88,5 triệu USD (tương đương 1.859 tỷ đồng), gồm vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 70 triệu USD (tương đương 1.470 tỷ đồng), vốn viện trợ không hoàn lại 3 triệu USD (tương đương 63 tỷ đồng) và vốn đối ứng ngân sách Tỉnh 15,5 triệu USD (tương đương 325,5 tỷ đồng). Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2015 - 2022. HĐND tỉnh Quảng Nam thống nhất điều chỉnh thời gian thực hiện từ 2015 - 2022 thành 2015 - 2023.

Hiệp định vay số 3340 - VIE đã ký ngày 25/3/2017 (có hiệu lực từ ngày 17/7/2017) và ngày 30/6/2023 đóng khoản vay, chi phí lãi vay và phí cam kết đã được phê duyệt là 3,95 triệu USD, sử dụng từ nguồn vốn vay ODA. Thời hạn trả nợ từ 1/5/2022 đến 1/5/2041. Đến nay đã trả nợ gốc 3 kỳ với số tiền hơn 5,3 triệu USD (tương đương 128,5 tỷ đồng).

Tổng giải ngân kế hoạch vốn đến ngày 23/6/2023 hơn 1.203 tỷ đồng (vốn vay ADB hơn 910 tỷ đồng, gần 243 tỷ đồng vốn đối ứng và gần 50 tỷ đồng vốn viện trợ không hoàn lại), đạt 64%/tổng mức đầu tư.

Chuyên đề