Dự án thoát nước Dĩ An và KCN Tân Đông Hiệp: Sau 7 năm vẫn dở dang, đình trệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là dự án trọng điểm chống ngập cho khu vực giáp ranh 3 địa phương TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, Dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp (KCN) Tân Đông Hiệp có tổng mức đầu tư 1.208 tỷ đồng, được triển khai thi công từ năm 2017. Tới nay, dù nhiều gói thầu xây lắp đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn khối lượng, song Chủ đầu tư vẫn chưa thể kết thúc Dự án vì thiếu mặt bằng và hoạt động thi công bị đình trệ nhiều năm.
Còn 2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án chưa thể lựa chọn nhà thầu vì gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: Hoài Tâm
Còn 2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án chưa thể lựa chọn nhà thầu vì gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: Hoài Tâm

Theo Chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (QLDA NN&PTNT) tỉnh Bình Dương, Dự án đã triển khai thi công 6 trên tổng số 8 gói thầu xây lắp. Trong đó, các nhà thầu đã thi công hoàn thành 3 gói thầu gồm: Gói thầu Xây lắp số 04 - kênh T4; Gói thầu Xây lắp số 4a - rạch Cái Cầu; Gói thầu Xây lắp số 07 - kênh T5B từ tháng 12/2022. Ba gói thầu xây lắp còn lại đã hoàn thành phần lớn khối lượng thi công theo hợp đồng, tuy nhiên đã tạm ngưng thi công từ năm 2022 do thiếu mặt bằng. Cụ thể, Gói thầu Xây lắp số 10 - rạch Cái Cầu (K0+270-K1+650) có giá trị hơn 49,032 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Nguyên Cát đảm nhiệm thi công đạt hơn 75% giá trị hợp đồng. Gói thầu xây lắp số 12 - rạch Cái Cầu (K3+010-KF) có giá trị 72,266 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 40 thi công đạt 84,87% giá trị hợp đồng. Gói thầu Xây lắp số 16 - Thi công xây lắp tuyến suối Nhum có giá trị 36,937 tỷ đồng do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Nguyên Cát - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 40 đảm nhiệm, đạt khối lượng hoàn thành 75,14% so với hợp đồng.

Ngoài 6 gói thầu xây lắp đã triển khai thi công nói trên, Dự án còn 2 gói thầu chưa thể lựa chọn nhà thầu thi công vì gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Đó là Gói thầu Xây lắp số 11 (tuyến suối Xiệp) qua tỉnh Đồng Nai và Gói thầu Xây lắp số 15 (suối Nhum) đoạn qua TP.HCM.

Theo Ban QLDA NN&PTNT tỉnh Bình Dương, đến cuối tháng 5/2024, Dự án còn vướng mặt bằng ở nhiều điểm. Theo đó, trên tuyến kênh suối Nhum, thuộc phạm vi các gói thầu xây lắp số 15 và 16, do nhiều vướng mắc không thể tháo gỡ nên các đơn vị liên quan 2 địa phương TP.HCM và Bình Dương đã khảo sát hiện trường vào cuối năm 2022 để thống nhất phương án dừng thực hiện 2 gói thầu này. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cho Gói thầu Xây lắp số 16, tuyến suối Nhum có chiều dài 1.100 m thuộc phạm vi Đại học Quốc gia TP.HCM còn tồn tại 8 trường hợp không thể giải tỏa có chiều dài 250 m. Còn Gói thầu Xây lắp số 15 (chiều dài 1.076 m), phần mặt bằng bờ trái địa phận tỉnh Bình Dương (dài 176 m) và phần mặt bằng thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM bờ bên trái (dài 900 m) và 170 m bờ bên phải đã được bồi thường xong. Phần mặt bằng bên phải thuộc địa phận TP.HCM với chiều dài 906,6 m mới được TP.HCM chấp thuận chủ trương vào tháng 1/2024, tuy nhiên chưa bố trí vốn trung hạn 2021 - 2025 nên vẫn chưa thể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng diện tích này.

Tương tự, ở phạm vi rạch Cái Cầu mặt bằng Dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và KCN Tân Đông Hiệp cũng gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, rạch Cái Cầu phía tỉnh Bình Dương cần giải tỏa 106 trường hợp, đã phê duyệt phương án bồi thường 16 đợt với 103 trường hợp. Hiện nay, Bình Dương đã chi trả 91 trường hợp (trong đó có 7 trường hợp hồ sơ công ty không bồi thường), bàn giao mặt bằng được 83 hồ sơ và giao nền tái định cư cho 12 trường hợp. Mới đây, Ban QLDA NN&PTNT tỉnh Bình Dương đã đốc thúc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Dĩ An đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng rạch Cái Cầu phía Tỉnh. UBND TP. Dĩ An đang tập trung giải quyết các tồn tại và hoàn thiện hồ sơ để nhanh trình duyệt và tổ chức vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng...

Đối với rạch Cái Cầu phía tỉnh Đồng Nai, Tỉnh đã phê duyệt Dự án Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Nạo vét bờ trái tuyến rạch Cái Cầu (suối Xiệp), đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Hiện địa phương này đã hoàn thành 67/79 hồ sơ đủ điều kiện áp giá trình duyệt phương án bồi thường. UBND TP. Biên Hòa đã phê duyệt đơn giá bồi thường, phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 với 28 trường hợp. Theo dự kiến của TP. Biên Hòa, công tác giải phóng mặt bằng hoàn tất và bàn giao vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, hiện TP. Biên Hòa vẫn chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho 28 hộ dân đã phê duyệt và không thể hoàn thành bàn giao mặt bằng theo kế hoạch.

Được biết, Dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và KCN Tân Đông Hiệp được tỉnh Bình Dương đầu tư từ ngân sách Tỉnh, thực hiện toàn bộ phần xây lắp và đền bù giải phóng mặt bằng các tuyến công trình thuộc địa giới hành chính của Tỉnh. Việc phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng giữa 3 địa phương chưa đồng bộ là nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ Dự án.

Năm 2024, tỉnh Bình Dương bố trí 80 tỷ đồng vốn kế hoạch cho Dự án. Đến hết tháng 5/2024, giá trị giải ngân là 1,1 tỷ đồng, đạt 1,38% so với kế hoạch. Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban QLDA NN&PTNT cho biết, nguyên nhân Dự án giải ngân thấp do 3 gói thầu xây lắp tạm ngừng thi công (Gói thầu Xây lắp số 10 và Gói thầu Xây lắp số 12 tạm dừng thi công từ tháng 8/2022; Gói thầu Xây lắp số 16 tạm dừng thi công từ tháng 8/2020). Trong khi đó, Gói thầu Xây lắp số 11 - rạch Cái Cầu vướng mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai nên chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công. “Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Bình Dương cùng các địa phương tập trung giải quyết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tuy nhiên tiến độ thực hiện chậm so với dự kiến. Dù vậy, chúng tôi quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 được giao”, ông Sơn nói.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhà thầu đang rất sốt ruột vì phải tạm ngừng thi công chờ mặt bằng bởi nhiều yếu tố rủi ro có thể nảy sinh khi theo thời gian, điều kiện cơ bản khi giao kết hợp đồng xây lắp sẽ thay đổi theo thị trường.

Chuyên đề