Đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần nâng cao trách nhiệm với nhà đầu tư trước khi các nhà đầu tư quay lưng lại với BOT |
“Còng lưng” gánh khoản phí hơn 370 tỷ đồng
Đại diện Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Doanh nghiệp dự án) cho biết, tháng 9/2014, Nhà đầu tư (Liên danh Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc) và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ký kết hợp đồng BOT thực hiện dự án trên.
Nhận thức được tầm quan trọng của Dự án, Nhà đầu tư đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng theo hợp đồng BOT đã ký kết. Dự án đã thông xe từ tháng 3/2017 và được Bộ GTVT nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 3; từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với Hà Nội.
Nhà đầu tư đã tuân thủ các yêu cầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức đàm phán với địa phương trong miễn, giảm giá cho các chủ phương tiện trong vùng bị ảnh hưởng của trạm thu phí.
Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng từ khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng, Nhà đầu tư mới được Bộ GTVT đồng ý cho thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ chỉ tại một trạm Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (phương án hoàn vốn Dự án theo hợp đồng BOT là 2 trạm thu phí).
Sau 3 tháng thu phí thực hiện tại một trạm, trên cơ sở thực tế doanh thu, lưu lượng phương tiện, tình hình sử dụng, an toàn giao thông… Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án đã tính toán phương án tài chính, phân tích việc không đủ khả năng hoàn vốn cho Dự án nếu thu chỉ một trạm này và đã có báo cáo, đề xuất kiến nghị giải pháp với Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ - cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép tổ chức thực hiện việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ trên cả 2 trạm để hoàn vốn cho Dự án ngay từ tháng 4/2018 theo phương án giảm giá dịch vụ mà Nhà đầu tư đã làm việc và thống nhất với địa phương. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Nhà đầu tư vẫn chưa nhận được một phản hồi nào từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết khó khăn, bế tắc cho Dự án.
Trong khi chưa có doanh thu để hoàn vốn cho Dự án, thì Doanh nghiệp dự án vẫn phải tổ chức các hoạt động khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho bộ máy quản lý, cho người lao động.
Gần 2 năm qua, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án đã phải vay mượn để trả lãi vay, trả nợ gốc cho ngân hàng. Tiền lương của cán bộ công nhân viên thực hiện Dự án chưa có. Các khoản chi phí và duy trì hoạt động của Doanh nghiệp dự án, chi phí duy tu bảo trì cho hoạt động Dự án tính từ tháng 1/2017 đến nay đã lên tới trên 370 tỷ đồng.
Chờ phương án "giải cứu" hợp lý
Như Báo Đấu thầu đã thông tin, từ khi Dự án được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, Nhà đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản khẩn thiết tới Bộ GTVT, các cơ quan ban, ngành trung ương và địa phương để kêu cứu, đề xuất các biện pháp hoàn vốn cho Dự án.
Ngày 28/10/2017, Nhà đầu tư báo cáo Bộ GTVT phương án giảm giá cho dự án BOT “lận đận” này, trong đó cũng đề xuất một phương án khác là Nhà nước trưng mua lại Dự án. Tiếp đó, ngày 8/5/2018, Nhà đầu tư lại có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất bổ sung phương án thu phí và thống nhất giảm giá tiếp để được thực hiện hoàn vốn, tháo gỡ khó khăn cho Nhà đầu tư, tránh phá sản Dự án.
Thời gian qua, không ít lần Nhà đầu tư đã phải khẩn cầu đến Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ GTVT… vì bị chậm thu phí hoàn vốn Dự án.
Ngày 30/6/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các bộ, ban ngành liên quan yêu cầu khẩn trương thống nhất phương án về trạm thu phí để hoàn vốn cho Dự án, tránh lãng phí và phát sinh tăng chi phí đầu tư của Dự án.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về trạm thu phí BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới, nhưng đã hơn 3 tháng trôi qua mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa thực hiện giải quyết khó khăn cho Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, sau 18 tháng đưa vào vận hành khai thác, Doanh nghiệp dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn chưa chính thức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thu phí cả 2 trạm như mời gọi đầu tư, hợp đồng đã ký kết. Ngay cả chính quyền địa phương, nơi dự án đi qua vẫn chưa thực sự cùng Nhà đầu tư giải quyết triệt để và dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của Dự án, đẩy Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án vào thế bế tắc khi Dự án đang trên bờ vực phá sản.
Theo phản ánh, không chỉ có Nhà đầu tư của Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, một số nhà đầu tư ở các dự án BOT giao thông khác cũng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ do không nhận được cơ chế chia sẻ rủi ro cần thiết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Một số chuyên gia đầu tư cho rằng, đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần nâng cao trách nhiệm của mình với nhà đầu tư.