Một trong những lý do khiến nhà đầu tư ít quan tâm phát triển nhà ở xã hội là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tiên Giang |
Cuối tháng 3/2022, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định công khai 3 hợp đồng ký kết với các nhà đầu tư trúng thầu thực hiện các dự án đầu tư xây dựng NƠXH trên địa bàn.
Trong đó, Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ - Quy Nhơn - Công ty TNHH Đầu tư Đông Bàn Thành thực hiện Dự án NƠXH (quy mô 173 nhà ở liên kế thấp tầng) tại khu đất 50.214,8 m2, ở phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Sơn với tổng chi phí thực hiện 216,72 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ - Quy Nhơn thực hiện Dự án NƠXH (18.731,3 m2 với quy mô 326 căn hộ chung cư 12 tầng, 19 nhà liên kế 4 tầng) thuộc Khu vực 1, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn với tổng chi phí thực hiện 359,018 tỷ đồng; chi phí bồi thường, tái định cư là 1 tỷ đồng.
Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thủ Đô - Công ty CP Đầu tư nhà An Bình thực hiện Dự án NƠXH phía Tây đường Trần Nhân Tông, phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn (14.145 m2, quy mô 795 căn hộ chung cư 18 tầng) với tổng chi phí thực hiện là 858 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ba dự án nêu trên đều có một nhà đầu tư đăng ký và được đánh giá đạt năng lực, kinh nghiệm.
Để hỗ trợ cho các dự án phát triển NƠXH, đầu năm nay, Quốc hội đã phê duyệt gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ như nới điều kiện, đối tượng vay của gói 30.000 tỷ đồng; cho phép chuyển nhượng; miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; ưu đãi thuế và tín dụng; thế chấp tài sản trong tương lai để vay vốn ngân hàng…
Không chỉ Bình Định, một số địa phương khác cũng có chung tình trạng này. Từ năm 2021 đến nay, Bắc Giang có 2 dự án NƠXH tại thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu (một dự án có tổng chi phí thực hiện là 696,56 tỷ đồng với diện tích 2,69 ha và một dự án có tổng chi phí 691,789 tỷ đồng với diện tích 3,3 ha) được công bố danh mục kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, mỗi dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm, tương ứng là Công ty CP Hoàng Ninh Group, Công ty CP Phát triển nhà và Đô thị New Star.
Tương tự, Dự án Xây dựng Khu NƠXH tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (608,504 tỷ đồng, 49.052 m2) chỉ có Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đăng ký thực hiện; Dự án Khu NƠXH tại ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang (936,857 tỷ đồng, 110.190 m2) chỉ có Tổng công ty Khoáng sản xây dựng dầu khí Nghệ An nộp hồ sơ…
Trong hơn 1 năm qua, số dự án NƠXH có hơn 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký khá hiếm hoi. Tại Dự án Khu NƠXH tại khu Thành Công, phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (373,045 tỷ đồng, 7.316 m2), mặc dù có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký, nhưng 1 nhà đầu tư “tự trượt” là Công ty CP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng do không cung cấp tài liệu chứng minh năng lực tài chính (báo cáo tài chính được kiểm toán). Nhà đầu tư còn lại đạt năng lực, kinh nghiệm và được lựa chọn là Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị Đất Việt (Hải Dương).
Theo Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, nguyên nhân kém cạnh tranh có thể là do lợi nhuận từ việc đầu tư dự án NƠXH không lớn, trong khi chính sách ưu đãi chưa thực sự tương xứng, chưa đủ sức hấp dẫn, giá bán bị khống chế, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, một trong những lý do khiến nhà đầu tư ít quan tâm phát triển NƠXH là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Có những dự án được triển khai gần chục năm, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong vấn đề này. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án NƠXH cũng như khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tư nhân, nên tách riêng công tác giải phóng mặt bằng và sử dụng vốn nhà nước để thực hiện.
Một số bên mời thầu khác như Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau… lý giải nguyên nhân dự án NƠXH kém hấp dẫn là do nhu cầu NƠXH tại địa phương không nhiều.