Sự chồng chéo trong quản lý, xuống cấp của tài sản của âu Tắc Thủ cũ đang trở thành rào cản triển khai Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2. Ảnh minh họa: Nguyễn Phương |
Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được khởi công xây dựng từ tháng 11/2019, có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Dự án bao gồm: cống Cái Lớn với 11 khoang cống và 1 âu thuyền rộng 15 m, tổng chiều rộng thông nước 455 m; cống Cái Bé với 2 khoang cống, 1 âu thuyền rộng 15 m, tổng chiều rộng thông nước 85 m. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đây là đại công trình có vai trò lớn trong việc kiểm soát mặn, cấp ngọt, kết hợp với hệ thống công trình đã có để chủ động kiểm soát mặn xâm nhập từ biển Tây theo hướng sông Cái Lớn, Cái Bé.
Đặc biệt, công trình kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống triều cường, nước biển dâng và sụt lún đất cho vùng bảo vệ phía trong tuyến đê biển.
Dự án đã giúp giữ ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi 384.120 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.
Với sự nỗ lực rất lớn của Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (thuộc Bộ NN&PTNT) cùng các nhà thầu thi công, công trình đã được hoàn thành vào tháng 3/2022, sớm hơn so với kế hoạch .
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, để phát huy hiệu quả Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, cần sớm hoàn thiện tổng thể Dự án ở giai đoạn 2. Bởi, hiện trên tuyến đê biển An Biên - An Minh và dọc theo sông Cái Lớn, Cái Bé (từ cống ra đến cửa biển) nằm trong vùng Dự án có tổng cộng 43 cửa sông, kênh, rạch thông ra biển. Tuy vậy, đến nay vẫn còn 14 cửa thông ra biển chưa có công trình kiểm soát mặn nên công tác vận hành, điều tiết nguồn nước theo quy trình vận hành còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ.
Ngay từ đầu năm 2023, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án Cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thủy lợi ven biển Tây - một phần quan trọng trong giai đoạn 2 của Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Dự án này có nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ sản xuất lúa ổn định cho một số địa phương vùng bán đảo Cà Mau, chủ động kiểm soát mặn, điều tiết nguồn nước cho vùng phía Nam sông Cái Lớn và vùng Bắc Cà Mau. Còn các cống ven biển An Biên - An Minh và hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp giữ ngọt từ cuối mùa mưa đến hết tháng 12 hàng năm để phục vụ sản xuất ổn định vụ lúa, với khoảng 75.745 ha của huyện U Minh, Thới Bình, tỉnh Cà Mau và huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - các địa phương nằm trong vùng bán đảo Cà Mau.
Theo đó, Dự án Cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thuỷ lợi ven biển Tây được giao cho Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 làm Chủ đầu tư. Dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý, với tổng mức đầu tư trên 714,2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trên 10,8 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 464 tỷ đồng; chi phí thiết bị gần 74 tỷ đồng; chi phí quản lý Dự án trên 7 tỷ đồng; chi phí tư vấn gần 41 tỷ đồng; chi phí khác trên 13,4 tỷ đồng và còn lại là chi phí dự phòng.
Được biết, quy mô đầu tư của Dự án bao gồm: xây dựng, cải tạo cống, âu Tắc Thủ (cải tạo âu thuyền cũ và xây mới 1 âu thuyền); xây mới 4 cống hở gồm Nổng Kè Nhỏ, Nổng Kè Lớn, Giồng Kè, Bến Gỗ và cống ngầm Hai Chài. Dự kiến tiến độ thực hiện trong 4 năm. Giai đoạn 2 của dự án này đã được ngành nông nghiệp, Chủ đầu tư chuẩn bị từ lâu, được coi là cơ hội cho nhiều nhà thầu chuyên thi công công trình thủy lợi, nông nghiệp.
Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNN cho biết, dù Dự án rất cấp bách, liên tục được các tỉnh trong khu vực đề nghị triển khai sớm, nhưng thực tế, tiến độ triển khai công tác chuẩn bị Dự án đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công trình âu thuyền Tắc Thủ được xây dựng tại ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu - sông Trẹm, thuộc xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) và xã Khánh An (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) chưa thể sắp xếp, xử lý được và đang trong danh sách các công trình thuộc diện đầu tư kém hiệu quả, lãng phí. Đây là công trình có tổng vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, âu thuyền Tắc Thủ thuộc Dự án Nâng cấp 2 tuyến đường thủy phía Nam và cảng Cần Thơ theo Quyết định số 655/TTg ngày 20/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Âu thuyền được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng ngày 22/3/2006. Chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đường thủy (PMU-Ws), tư vấn giám sát SMEC (Úc), tư vấn thiết kế HEC-II. Năm 2006 công trình được bàn giao cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý. Từ năm 2006 - 2014, công trình được Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 14 (nay là Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 14) tiếp nhận, nhưng chưa được cấp thẩm quyền bàn giao tài sản quản lý. Vì công trình không có kinh phí quản lý vận hành và bảo trì nên đã xuống cấp, hư hỏng không sử dụng được. Riêng các hạng mục, hạ tầng còn lại phần trên bờ (diện tích đất 16,254 ha, tòa nhà điều hành 2 tầng, nhà tập thể, và một số tài sản khác) được bàn giao cho Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV quản lý. Khi chưa làm rõ trách nhiệm, bàn giao tài sản liên quan đến âu Tắc Thủ, mọi công tác chuẩn bị cho giai đoạn 2 của Dự án Cái Lớn - Cái Bé vẫn “án binh bất động”.