Để đồng bộ giữa đường và cầu vượt tại nút giao An Dương, năm 2018, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo mặt đê đường Âu Cơ đoạn từ Nghi Tàm đến cầu Nhật Tân, dài 3,1 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 440 tỷ đồng, tiền ngân sách. Sở dĩ có dự án này, theo đại diện UBND thành phố Hà Nội, sau khi cầu vượt An Dương và đường dẫn hai bên được cải tạo, nâng cấp lên 4 làn xe (hoàn thành năm 2018), đoạn đê đường Âu Cơ từ Nghi Tàm đến cầu Nhật Tân trở thành đoạn thắt cổ chai khi chỉ có 2 làn xe.
Mặt đê đường Âu Cơ đoạn từ Nghi Tàm đi cầu Thăng Long có một số vị trí đã đào, xẻ hạ cốt. Ngoài ảnh hưởng đến giao thông đi lại, việc công trường thi công ngổn ngang nhiều tháng qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân ở đây. Tính từ tháng 10/2018 đến nay, sau hơn 3 năm dự án vẫn phải chờ thủ tục để tiếp tục thi công.
Dự án cải tạo đường Âu Cơ được thực hiện theo hướng gia cố, tạo cảnh quan mặt đê và mở rộng lòng đường từ 2 lên 4 làn xe. Cùng với đó, phần tường chắn đê phía giáp mặt sông Hồng được làm bằng bê tông. Sau khi hoàn thành (dự kiến trong năm 2020), dự án sẽ tạo ra đoạn đê kết cấu bằng bê tông cốt thép thay thế cho kết cấu đất, kết nối thông suốt và gần nhất từ trung tâm hành chính Ba Đình với Sân bay quốc tế Nội Bài.
Tuy nhiên, có mặt tại đường Âu Cơ những ngày qua, PV Tiền Phong ghi nhận, mặc dù đã qua hơn 15 tháng, nhưng dự án cải tạo mặt đê đường Âu Cơ vẫn đang quây rào, bên trong công trường vắng bóng công nhân. Không có một hoạt động nào cho thấy dự án đang được thi công.
Ngổn ngang dự án cải tạo mặt đê Âu Cơ đoạn từ Nghi Tàm đi cầu Thăng Long |
Liên quan tới dự án cải tạo mặt đê và mở rộng đường Âu Cơ, ông Phạm Văn Duẩn, Phó Giám đốc Ban Giao thông Hà Nội cho biết, dự án đã được UBND thành phố chấp thuận cho thi công từ năm 2018. Tuy nhiên, sau khi dự án lập hàng rào thi công thì đại diện Bộ NN&PTNT đã có ý kiến cần xem xét lại cao trình hạ mặt đê so với cốt hiện nay; độ cao tường chắn bê tông cũng cần phải nghiên cứu lại. Mặc dù khổ đường, mặt đê được hạ và cả tường chắn bê tông đều được thi công với thông số kỹ thuật tương tự như đoạn từ cầu vượt An Dương đến khách sạn Thắng Lợi (dự án đã thông xe tháng 10/2018), nhưng đến khi thi công đoạn tiếp theo từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân, Bộ NN&PTNN lại yêu cầu phải xem xét lại.
“Sau khi Bộ NN&PTNN có ý kiến trên, Ban Giao thông đã tạm dừng dự án và làm đầy đủ các thủ tục để đại diện Bộ NN&PTNN có ý kiến cuối cùng. Tuy nhiên đến nay thủ tục này vẫn chưa xong, dẫn đến dự án chưa thể thi công tiếp”, đại diện Ban Giao thông cho biết.
Phấn đấu thông xe trong một vài tháng tới
Dự án cầu vòm sắt dành cho xe máy đi dưới thấp vượt hồ Linh Đàm (Hoàng Mai) là dự án giao thông cấp bách và có tiến độ hoàn thành trong 10/2021, với mục tiêu giảm ùn tắc tại đường Vành đai 3. Tuy nhiên, đến nay dự án đã lỡ hẹn đến 2 lần (tổng cộng chậm tiến độ 5 tháng).
Hiện, công trình thi công cầu vòm sắt vẫn ngổn ngang, các vòm vẫn chưa được lao lắp hết. Đường dẫn hai bên chưa thảm nhựa.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban Giao thông - chủ đầu tư) cho biết, cầu vòm sắt là hạng mục bổ sung của dự án cầu cạn vượt hồ Linh Đàm đã thông xe tháng 10/2020. Cầu được thiết kế cho xe máy và đi ở dưới đường Vành đai 3 trên cao. Cầu có mặt cắt rộng 7,5m - tương đương 2 làn xe. Cầu sắt có thiết kế nhịp dầm vòm dạng ống, chiều dài một nhịp 33m.
Ông Phạm Văn Duẩn, Phó Giám đốc Ban Giao thông Hà Nội cho biết, do cầu vòm sắt thi công dưới gầm đường Vành đai 3 trên cao nên không gian không có để sử dụng máy móc chuyên dụng, lao lắp dầm đã đúc sẵn. Việc này phải làm thủ công bằng các băng tải và máy móc nhỏ hỗ trợ. Đồng thời, do ảnh hưởng của COVID-19 nên nhiều lúc dự án phải nghỉ thi công.
“Những nguyên nhân này khiến công trình chậm hoàn thành so với tiến độ đặt ra. Đến nay việc lao lắp các dầm đã cơ bản xong. Đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để phấn đấu thông xe trong một vài tháng tới”, ông Duẩn cho biết.