Nhiều khu vực của TP.HCM vẫn đang bị triều cường nhấn chìm. Ảnh: Lê Toàn |
Dự án với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng được thực hiện theo mô hình BT (xây dựng - chuyển giao) sẽ được Trung Nam Group triển khai ngay cuối tháng 6/2016, với mục tiêu, sau 36 tháng sẽ hoàn thành xây dựng 6 cống kiểm soát triều cường (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định) xây dựng 3 trạm bơm gồm trạm công suất 12 m3/s tại cống Bến Nghé; trạm công suất 48 m3/s tại cống Tân Thuận và trạm 36 m3/s tại cống Phú Định.
Ngoài ra, Dự án còn xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh (giai đoạn I), 25 cống nhỏ có khẩu độ từ 1 - 10m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối. Địa điểm thực hiện các hạng mục dự án thuộc quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh với diện tích sử dụng đất 100,8 ha.
Theo thông tin từ UBND TP.HCM, trong những năm qua, Thành phố đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để chống ngập và chống ngập đang là một trong 7 chương trình đột phá được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, để thực hiện Dự án, Trung Nam Group đã phải nghiên cứu rất kỹ việc TP.HCM nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, giáp biển Đông, với khoảng 60% diện tích có cao độ từ 1,5 m trở xuống, sẽ thường xuyên bị ngập khi triều cường nếu không có giải pháp chống ngập.
“Chúng tôi đã nghiên cứu khá kỹ các giải pháp như đôn cao cốt nền (cao hơn mực nước triều cường), giải pháp này đối với khu đô thị hiện hữu là không khả thi bởi đã được hình thành từ hàng trăm năm nay. Một giải pháp nữa được đưa ra đó là ngăn (hoặc hạn chế) dòng triều biển Đông từ xa, như xây dựng đê biển Vũng Tàu - Gò Công, cống/kè hở sông Nhà Bè, Lòng Tàu. Tuy nhiên, các giải pháp đó vẫn không hiệu quả”, ông Tiến cho biết.
Cũng theo ông Tiến, giải pháp cuối cùng được chủ đầu tư lựa chọn là, sẽ thực hiện chia Thành phố thành một số vùng nhỏ để ngăn triều. Theo phương án này, Thành phố sẽ được chia làm 3 vùng. Vùng 1 là khu vực bờ hữu sông Sài Gòn; vùng 2 là bờ tả sông Sài Gòn và vùng 3 là khu vực Cần Giờ. Giải pháp này được các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước, các nhà khoa học, cơ quan quản lý các cấp đánh giá là “khả thi nhất về kỹ thuật, kinh tế, phù hợp khả năng đầu tư của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay”.
“Với việc xây dựng 6 cống lớn, hơn 7 km đê/kè và một số cống nhỏ, cùng với cống Vàm Thuật (xây dựng bằng nguồn vốn được tài trợ từ Ngân hàng Thế giới - WB), cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đã xây dựng) sẽ chống ngập cho vùng trung tâm TP.HCM, với diện tích 570 km2 và khoảng 6,5 triệu dân tránh được ảnh hưởng từ triều cường xâm nhập. Để chống ngập do mưa, dự án đã đưa ra yêu cầu vận hành hệ thống cống để "gạn triều" kết hợp bơm hỗ trợ tại 3 vị trí cống: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân”, ông Tiến nói.
Ông Tiến còn cho biết thêm, Dự án giải quyết ngập do triều cường giai đoạn I sẽ vận hành các cống, để ngoài ngăn triều cường, hệ thống này còn dùng để “gạn triều” nhằm đảm bảo giữ mực nước thấp trong hệ thống kênh rạch tạo dung tích trống đón mưa và tạo độ dốc cần thiết nhằm thoát nhanh lượng nước dồn đến từ hệ thống cống thoát nước.
Ngoài ra, để đảm bảo mực nước trong vùng không vượt quá cao độ +1 m (vị trí chân cầu chữ Y- địa hình hiện trạng), Dự án còn bố trí 3 trạm bơm điện tại vị trí các cống Bến Nghé, Tân Thuận và Phú Định, với cống suất bơm 54 m3/s (dự phòng thêm 42 m3/s cho kịch bản biến đổi khí hậu). Phần dung tích trống dự phòng đón mưa này chính là dung tích điều tiết khổng lồ do Dự án tạo ra. Nếu tính từ cốt + 0.00 đến +1.00, lượng nước chứa trong hệ thống kênh rạch thuộc vùng 1 khoảng 30 triệu m3 (trong khi đó, lượng nước sinh ra do mưa trong vùng có vũ lượng 100 mm, với diện mưa 50%, cũng chỉ khoảng 25 - 30 triệu m³).
Theo chủ đầu tư, với dự án này, giải pháp hồ điều tiết là hiệu quả nhất, vì tận dụng được toàn bộ hệ thống kênh rạch hiện tại để làm hồ chứa, mà không cần phải xây dựng, giải phóng mặt bằng. Các hồ này phân tán và trải dài toàn bộ khu vực bảo vệ sẽ có tác dụng rút nước từ hệ thống cống tiêu thoát nhanh hơn so với các hồ điều tiết nước tập trung.
“Đây là dự án có kỹ thuật thi công khá phức tạp, do hầu hết các hạng mục thi công trong nước, nền đất yếu, khẩu độ cống lớn. Cá nhân tôi cho rằng, với trình độ công nghệ thi công, công nghệ vật liệu tiên tiến hiện nay, với mặt bằng thi công rộng, phân tán, các hạng mục công việc khá độc lập, để dự án hoàn thành sau 2 năm thi công xây dựng, ngoài nỗ lực của Trung Nam cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đặc biệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng”, ông Tiến nói.
Đánh giá về tính khả thi của Dự án, nhiều chuyên gia về thủy lợi và xây dựng cho rằng, mỗi năm Thành phố bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để chống ngập, nhưng kết quả vẫn thấp, cho thấy Dự án đối mặt với không ít khó khăn. Cốt nền khá nhiều vị trí của Thành phố không đồng đều, hệ thống cống thoát nước bị tắc nghẽn quá lâu… đang là những vật cản khó tháo gỡ cho chương trình chống ngập lụt trong nhiều năm nay. Vậy Trung Nam chỉ chống ngập bằng hệ thống bơm và cống thoát liệu có khả thi? Thực tế cho thấy, từ năm 2010 đến nay, sau khi thực hiện chương trình chống ngập cho Thành phố, thì trong khu vực nội đô, các điểm ngập có giảm, nhưng lại tăng ở khu vực ngoại thành, với khoảng 30 điểm ngập mới. Được biết, đây cũng chính là lo ngại của các đơn vị tham gia tư vấn thiết kế Dự án.
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC - Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, nếu chỉ khoanh vùng chống ngập cho riêng TP.HCM, rất có thể, chương trình sẽ có diễn tiến như đợt chống ngập vừa qua, tức là, giảm ngập tại vị này, thì sẽ xuất hiện vùng ngập mới ở vị trí khác. Vì vậy, để đảm bảo tính bền vững chương trình chống ngập cho TP.HCM, cần phải thay đổi tư duy chống ngập cục bộ cho riêng khu vực TP.HCM, có nghĩa là, phải ghép TP.HCM với các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, từ đó xây dựng một giải pháp tổng thể trong việc chống ngập.