Đường Vành đai 2 có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện mạng kết nối giao thông cho TP.HCM. Ảnh: Phú An |
Trong đó, chi phí dành cho giải phóng mặt bằng (GPMB) chiếm hơn 10.700 tỷ đồng. Thành phố đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, tuy nhiên, vấn đề mặt bằng lại một lần nữa kéo lùi tiến độ nhiều gói thầu quan trọng của dự án này.
Nhà thầu đợi mặt bằng
Báo cáo mới nhất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, đoạn 3 của Dự án Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút Gò Dưa (Quốc lộ 1) đang được Thành phố đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. Đoạn 3 của Dự án đang được Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Tư vấn đầu tư HNS Việt Nam - Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest - Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT với tổng giá trị hợp đồng là 2.765,5 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng là 1.821,2 tỷ đồng được Nhà đầu tư tạm ứng cho ngân sách thành phố). Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, đến nay khối lượng xây lắp thực hiện đạt khoảng 40%, lũy kế giá trị thực hiện đạt 325,5 tỷ đồng.
Báo cáo chỉ rõ, đến nay, công tác GPMB đã chi trả bồi thường 267/464 hồ sơ, đạt tỷ lệ 61%, diện tích mặt bằng bàn giao cho Nhà đầu tư là 10,05/20,69 ha, đạt tỷ lệ 48,6%. Dự kiến kế hoạch thực hiện công tác GPMB, bàn giao cho đơn vị thi công hoàn tất trong quý IV/2019 và thời gian hoàn thành, đưa công trình vào khai thác là tháng 10/2020. Việc hoàn thành các thủ tục quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư cũng sẽ được tiến hành vào quý IV/2019.
Khảo sát của Báo Đấu thầu ngày 14/5/2019 tại công trình đoạn 3 Dự án Vành đai 2 cho thấy, việc thi công từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quận Thủ Đức diễn ra khá sôi động. Cụ thể, các hạng mục cầu Ông Việt và cầu Cây Keo đã tiến hành thi công xong các trụ cầu, hiện đơn vị thi công đang đợi lao lắp dầm. Trong khi đó, hai làn đường đã lên nền, các sàn giảm tải, vách chắn đường dẫn lên cầu đã đổ bê tông.
Hai gói thầu chính của đoạn 3 là XL01 và XL02 ghi nhận tình trạng thiết bị và nhân công đợi mặt bằng. Theo ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái (doanh nghiệp dự án), khó khăn lớn nhất hiện nay là mặt bằng bàn giao không đồng đều. Theo đơn vị thi công, thiết bị để lao lắp hai cây cầu nói trên đều đã được đúc sẵn và “nằm chờ” ở nhà máy do chưa thể có mặt bằng đồng bộ để hoàn thiện tại công trình.
Sức hấp dẫn của một dự án lận đận
Dự án Vành đai 2 được triển khai từ hơn 10 năm trước, có thể coi là dự án khá lận đận. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, việc xây dựng một số đoạn của đường Vành đai 2 được giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) từ năm 2009 theo hình thức BT. Tuy nhiên, sau nhiều năm, Dự án chưa được chủ đầu tư thực hiện vì thiếu vốn.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện dự án này theo hình thức BT bằng tiền do PMC trả trước thì lãi suất cao sẽ không hiệu quả. Còn nếu làm theo hình thức BT thanh toán bằng đất thì Thành phố không còn đủ quỹ đất để giao cho PMC khai thác thu hồi vốn. Bên cạnh đó, thời điểm năm 2011, PMC gặp nhiều khó khăn về vốn, việc sửa chữa đường dẫn vào cầu Phú Mỹ vẫn chưa được thực hiện.
Do đó, năm 2011, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến Ngã tư Bình Thái trên xa lộ Hà Nội) bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Năm 2017, một loạt nhà đầu tư đã đề xuất với Thành phố tham gia vào dự án này với 4 dự án thành phần theo hình thức PPP. Đầu tiên là Liên danh Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest - Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái đầu tư làm đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) dài 2,75 km. Công ty CP Bất động sản CT xây dựng đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (Quận 9) dài 3,8 km, rộng 67 m, tổng mức đầu tư 5.730 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 557 đầu tư 1.052 tỷ đồng xây dựng đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) dài 1,9 km, rộng 67 m. Và một liên danh các nhà đầu tư khác vừa đề xuất đầu tư làm đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dài 3,2 km, rộng 60 m, với tổng mức đầu tư 4.464 tỷ đồng.
Theo UBND TP.HCM, hiện vướng mắc lớn nhất vẫn là khâu GPMB. “Tuy nhiên, đây là dự án cấp bách nên để đẩy nhanh việc khép kín đường Vành đai 2, Thành phố chủ trương ưu tiên đẩy nhanh GPMB, còn nhà đầu tư chỉ thực hiện phần xây dựng. Trách nhiệm GPMB sẽ thuộc về các quận, huyện có Dự án đi qua. Dự án đã được tái khởi động và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, do đó, Thành phố sẽ quyết liệt để đưa Dự án về đích đúng hẹn”, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM khẳng định.