Dự án Đường dây 220kV trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống: Liên tục lỗi hẹn “về đích”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đường dây 220kV trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống (phần trên lãnh thổ Việt Nam) có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng là dự án điện trọng điểm, cấp bách nhằm mục tiêu nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn, liên tục lỗi hẹn “về đích”. Nhà thầu thi công “đứng ngồi không yên” khi giá vật tư, thiết bị, nhân công liên tục tăng…
Dự án Đường dây 220kV trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống (phần trên lãnh thổ Việt Nam) được khởi công tháng 12/2021, theo kế hoạch phải hoàn thành cuối năm 2023. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Dự án Đường dây 220kV trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống (phần trên lãnh thổ Việt Nam) được khởi công tháng 12/2021, theo kế hoạch phải hoàn thành cuối năm 2023. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Dự án trên do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) được giao làm đại diện chủ đầu tư, quản lý dự án. Công trình được khởi công tháng 12/2021, theo kế hoạch phải hoàn thành cuối năm 2023 để đóng điện vào tháng 1/2024, nhưng quá trình thực hiện gặp khó khăn nên mốc hoàn thành được điều chỉnh tới 30/5/2024. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không đạt được. Theo chỉ đạo mới nhất, Dự án phải hoàn thành, đóng điện trước 30/6, nhưng mốc thời gian này tiếp tục gặp thách thức.

Ông Mai Đình Việt, Chỉ huy trưởng công trường thuộc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á cho biết, hiện công tác thi công dựng cột tại Gói thầu số 15 Xây lắp đường dây đoạn tuyến từ G23 - G38 (không bao gồm G38) thuộc Dự án đã cơ bản hoàn thành, còn 12 vị trí móng cột thuộc phần diện tích đất rừng vẫn phải chờ mặt bằng để tổ chức thi công. Nguyên nhân là, vị trí móng cột cũng như đường phục vụ thi công nằm trong diện tích đất rừng tự nhiên vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo ông Việt, cuối năm 2023, Nhà thầu đã có văn bản gửi Chủ đầu tư đề xuất giải pháp tháo gỡ, nhưng đến thời điểm này, những khó khăn vẫn còn nguyên, chưa thể biết ngày hoàn thành Gói thầu.

Theo Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của EVNNPT ngày 16/2/2022, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á trúng Gói thầu số 15 với giá hơn 68 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 270 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá cố định.

“Qua hơn 2 năm, ở thời điểm này, việc huy động nhân công không dễ dàng như trước do đang dồn lực thực hiện Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối; giá vật tư, thiết bị cũng như chi phí nhân công tăng rất cao so với thời điểm ký kết hợp đồng…”, ông Việt chia sẻ thêm.

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn PC1 đang gặp trở ngại về mặt bằng khi thực hiện Gói thầu số 16 Xây lắp đường dây đoạn tuyến từ G38 - ĐC, bao gồm mở rộng trạm biến áp 220kV Nông Cống. Trong một chia sẻ gần đây, ông Vũ Đình Bình, Chỉ huy trưởng công trình Gói thầu số 16 cho biết, về cơ bản, Nhà thầu đã hoàn thành thi công 75/76 vị trí móng cột, chỉ còn 1 vị trí do dân chưa bàn giao mặt bằng nên vẫn chưa thể hoàn thành Gói thầu. “Nếu có mặt bằng, Nhà thầu sẽ thi công xong phần móng còn lại trong khoảng 1 tuần, khi đủ điều kiện sẽ tiến hành dựng cột, kéo dây…, có thể hoàn thiện phần công việc của mình trong tháng 6 này”, ông Bình nhận định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu sáng 13/6, ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc NPMB bày tỏ lo lắng, do khó khăn về mặt bằng thi công nên khả năng hoàn thành, đóng điện trước 30/6 đang rất thách thức.

Trước đó, ông Trần Kim Vũ, Phó Giám đốc NPMB khẳng định, một trong những vấn đề “nan giải” nhất hiện nay là tổ chức thi công một số vị trí móng cột nằm trong diện tích đất rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Mặc dù các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được thực hiện xong, nhưng vẫn chưa thể thi công do vướng thủ tục liên quan đến công tác xử lý tài sản công trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng sang thực hiện dự án. Dự án vẫn đang phải chờ Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa xem xét, có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý tài sản công là cây rừng tự nhiên.

Để tháo gỡ khó khăn cho Dự án, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo UBND hai huyện Như Thanh, Như Xuân giải quyết dứt điểm các vướng mắc; tuyên truyền người dân đồng thuận nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án đã được duyệt. Trường hợp các hộ không nhận tiền bồi thường, EVN đề nghị địa phương tổ chức lực lượng bảo vệ thi công để triển khai các hạng mục cuối cùng, nỗ lực hoàn thành Dự án trong tháng 6/2024, tạo điều kiện cho nhà thầu hoàn thành hợp đồng, giảm thiểu rủi ro.

Chuyên đề