Dự án Di dời ga Đà Nẵng gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, phương án thực hiện và nguồn vốn đầu tư Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị. 
Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị có tổng mức đầu tư lớn, cần huy động nhiều nguồn vốn thực hiện. Ảnh: Duy Cường
Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị có tổng mức đầu tư lớn, cần huy động nhiều nguồn vốn thực hiện. Ảnh: Duy Cường

Theo một số chuyên gia, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được thông qua không có loại hợp đồng BT nên việc triển khai Dự án theo hợp đồng BT như đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng sẽ gặp trở ngại.

Theo đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng, Dự án được đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BT, gồm 3 hợp phần: Di dời ga đường sắt Đà Nẵng hiện tại ra vị trí mới (tổng mức đầu tư tạm tính 5.350 tỷ đồng); Phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới (tổng mức đầu tư tạm tính 830 tỷ đồng); Tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng (tổng mức đầu tư tạm tính 2.350 tỷ đồng).

Bộ GTVT cho biết, trong bối cảnh ngân sách trung ương bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gặp khó khăn, việc UBND TP. Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu đầu tư Dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn từ quỹ đất của địa phương để thanh toán thực hiện dự án BT theo Nghị định số 69/2019/NĐ-CP là một giải pháp phù hợp. Bộ GTVT ủng hộ TP. Đà Nẵng đề xuất chủ trì tổ chức nghiên cứu đồng bộ Dự án và huy động nguồn lực của địa phương để triển khai. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án đầu tư của các hợp phần, loại hợp đồng dự án cần nghiên cứu, so sánh cụ thể trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư đang “theo đuổi” những dự án BT nên cân nhắc các khó khăn để chuyển hướng đầu tư, bởi Luật PPP được thông qua không còn loại hợp đồng BT. Dự án này có tổng mức đầu tư lớn, cần huy động nhiều nguồn vốn thực hiện, nên cần cân nhắc kỹ và tìm ra phương án đầu tư khả thi.

Luật PPP vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Luật PPP có quy định chuyển tiếp đối với các dự án BT (dự án đã ký hợp đồng trước ngày Luật có hiệu lực, dự án có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày Luật có hiệu lực, đã phát hành hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu… thì vẫn thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm hiện hành), còn các trường hợp khác sẽ phải dừng triển khai dự án BT.

Theo một số chuyên gia, Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị đang ở bước xin cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư theo hợp đồng BT thì sẽ khó kịp thực hiện theo điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP.

Mặt khác, Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Tiết c Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định, không sử dụng tiền để thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án BT (vốn góp nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không áp dụng đối với dự án BT). Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không quy định việc sử dụng tiền bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho dự án BT. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Luật này, số tiền thu được từ xử lý tài sản công được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước, sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Như vậy, Đà Nẵng không thể thực hiện đầu tư Dự án bằng cách bán đấu giá quỹ đất để trả tiền cho nhà đầu tư.

Chuyên đề