Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội: Đội vốn, nhiều hạng mục chưa nghiệm thu đã xuống cấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hòa Lạc được khởi động triển khai từ năm 2003 với 13 dự án thành phần và tổng nhu cầu vốn ước tính 7.230 tỷ đồng. Đến nay, sau điều chỉnh, tổng nhu cầu vốn ước tính của Dự án (với 21 dự án thành phần) đã lên tới 25.872 tỷ đồng nhưng chưa có dự án thành phần nào hoàn thành, nhiều hạng mục công trình có dấu hiệu xuống cấp, gây lãng phí đầu tư.
Nhiều hạng mục công trình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội thi công dở dang do vướng mặt bằng. Ảnh: Giang Huy
Nhiều hạng mục công trình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội thi công dở dang do vướng mặt bằng. Ảnh: Giang Huy

Thời gian đầu tư xây dựng kéo dài hàng thập kỷ, liên tục “lụt” tiến độ do vướng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư, nhiều hạng mục công trình chưa nghiệm thu, chưa đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp… là thực trạng nhức nhối gây lãng phí đầu tư công tại nhiều dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng ĐHQGHN.

Tại Dự án thành phần Đầu tư xây dựng khu tái định cư do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư được duyệt vào tháng 11/2007 là 127,351 tỷ đồng, đến năm 2014 tăng lên 561,547 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2022. Tuy nhiên, đến nay mới triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tiểu khu BC, tiểu khu BE. Hệ thống hạ tầng thiết yếu của Dự án chưa xong nên nhiều hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án Đầu tư xây dựng ĐHQGHN chưa thể chuyển vào khu tái định cư. Những hộ dân này vẫn sinh sống và canh tác trên đất của Dự án, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và phát sinh những vấn đề phức tạp trong GPMB.

ĐHQGHN cho biết, tại Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dự án thành phần này có tổng mức đầu tư được phê duyệt vào tháng 3/2007 là 1.578 tỷ đồng, đến năm 2013 điều chỉnh tăng lên 3.324 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến là năm 2020. Dự án gồm 16 tuyến đường giao thông, 9 tuyến kè hồ, mương, 7 trạm xử lý nước thải, 1 trạm biến áp 110 kV và cây xanh, cảnh quan. Đến nay, Dự án đang triển khai đầu tư 10 tuyến đường, trong đó có 2 tuyến đường đã nghiệm thu đưa vào sử dụng là tuyến số 6 và tuyến số 11. Các công trình còn lại đã thi công từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn dở dang, tạm dừng thi công nhiều năm vì không có mặt bằng, chưa nghiệm thu, chưa đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp.

Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng có tổng mức đầu tư được duyệt năm 2014 là 404,5 tỷ đồng, thời gian hoàn thành sau điều chỉnh là năm 2023. Dự án đang gặp vướng mắc trong việc di dời 34 hộ dân liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất. ĐHQGHN khẳng định, nếu không giải quyết dứt điểm GPMB thì Dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ, không thể đón sinh viên vào học năm 2023, dẫn đến lãng phí đầu tư công…

Tại Dự án Đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Tiểu dự án phân khu 4 (Zone 4) được phê duyệt năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 386 tỷ đồng, năm 2020 được điều chỉnh thành 426 tỷ đồng. Khu Zone 4 gồm 4 công trình, đến nay đã hoàn thành 2 công trình nhưng chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng do hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như điện, nước chưa hoàn thành, chưa giải quyết vướng mắc về mặt bằng liên quan đến 6 hộ dân tại vị trí mặt tiền của công trình…

Ngoài vướng mắc về mặt bằng, quá trình triển khai Dự án ĐHQGHN kéo dài qua nhiều thời kỳ, cơ chế, chính sách của Nhà nước, pháp luật liên quan đến đầu tư công và xây dựng cơ bản có nhiều thay đổi… ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Một số công trình đã được phê duyệt từ nhiều năm trước nhưng không được bố trí đủ vốn để triển khai, khi khởi động lại thì các thiết kế, vật liệu hoàn thiện không còn phù hợp nên phải điều chỉnh, cập nhật, làm tăng giá dự toán và ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.

Chuyên đề