Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Nhà đầu tư mong đàm phán lại hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) kiến nghị xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT, ngoài 8 dự án đã được Bộ Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo Thủ tướng trước đó, xuất hiện thêm cái tên mới là Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án rất cần được “cấp cứu” tại dự án này.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, đã hoàn thành đi vào khai thác. Ảnh: Giang Huy
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, đã hoàn thành đi vào khai thác. Ảnh: Giang Huy

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng gồm 2 hợp phần: hợp phần Quốc lộ 1 dài 110 km thu phí từ tháng 6/2018, hợp phần cao tốc dài 64 km thu phí từ tháng 2/2020. Dự án không có vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, sử dụng 100% vốn nhà đầu tư tự huy động để thực hiện. Trong quá trình triển khai, các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã huy động mọi nguồn lực để hoàn thành Dự án vượt tiến độ 3 tháng.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, đến nay, doanh thu của Dự án chỉ đạt 1.208 tỷ đồng, tương ứng 31,5% so với phương án tài chính ban đầu, không đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng do các yếu tố khách quan, bởi nguyên nhân không xuất phát từ nhà đầu tư. Đó là, giảm 1 trạm thu phí (Km24+800) trên Quốc lộ 1 dẫn đến giảm nguồn thu, ảnh hưởng đến tỷ lệ phân lưu giữa Quốc lộ 1 và tuyến cao tốc, làm giảm lưu lượng trên tuyến cao tốc; áp dụng vé thời gian và miễn giảm cho hơn 4.200 phương tiện của người dân địa phương xung quanh trạm thu phí Km93+160, Quốc lộ 1 gây sụt giảm khoảng 46% doanh thu của trạm; chưa xác định thời điểm thi công, hoàn thành đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối đến TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị dẫn đến lưu lượng phương tiện giao thông tăng trưởng thấp hơn dự báo; bổ sung chi phí tổ chức thu phí tự động không dừng (ETC); dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn...

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Cơ quan có thẩm quyền (UBND tỉnh Lạng Sơn) chỉ điều chỉnh phương án tài chính cập nhật lưu lượng, doanh thu theo thực tế, kéo dài thời gian thu phí, không có giải pháp cụ thể bù đắp doanh thu thiếu hụt để chia sẻ rủi ro, hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư.

Đến nay, doanh thu của Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ đạt 1.208 tỷ đồng, tương ứng 31,5% so với phương án tài chính ban đầu, không đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.

Doanh nghiệp dự án kiến nghị, khi chính sách đã thay đổi, ảnh hưởng đến Dự án thì cần đàm phán lại hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn để có giải pháp cụ thể bù đắp doanh thu thiếu hụt cho Dự án, hoặc trả lại quyền thu phí cho doanh nghiệp. Trước mắt, cần tính toán điều chỉnh lãi vay, dừng xử lý nợ xấu đối với doanh nghiệp dự án, vì nợ xấu là hệ lụy từ các cơ chế chính sách thay đổi.

Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét, cân đối từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án BOT Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với số tiền là 2.056 tỷ đồng, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tham gia vào Dự án, chi trả cho các hạng mục công việc như: giải phóng mặt bằng các công trình đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt trực thông… để tháo gỡ khó khăn cho Dự án do các yếu tố thay đổi khách quan so với dự báo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Dũng, do không có quy định của pháp luật về hỗ trợ phần vốn nhà nước tham gia vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã hoàn thành đưa vào khai thác, nên UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt phương án tài chính điều chỉnh của Dự án, bỏ vốn hỗ trợ của Nhà nước.

“Dự án cũng thuộc trục dọc của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhưng đến thời điểm hiện tại không có một đồng vốn nào của Nhà nước hỗ trợ Dự án, thiệt thòi hơn rất nhiều so với các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020”, ông Dũng chia sẻ và mong muốn thêm việc UBND tỉnh Lạng Sơn sớm làm việc với ngân hàng tài trợ vốn cho Dự án là VietinBank để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Chuyên đề