Dự án cải tạo Quốc lộ 20 qua Đồng Nai và Lâm Đồng: Tìm cách gỡ nút thắt trong thanh, quyết toán

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do bất cập và không đồng bộ trong các quy định của Nhà nước về quản lý thanh, quyết toán cho dự án BT nên Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đang “mắc kẹt” hàng nghìn tỷ đồng thanh toán các khoản chi không có trong tổng mức đầu tư, đối mặt với phát sinh lãi phạt trả chậm, tiềm ẩn nguy cơ bị hạ tín nhiệm quốc gia tại các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài.
Do bất cập và không đồng bộ trong các quy định của Nhà nước về quản lý thanh, quyết toán cho dự án BT nên Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đang “mắc kẹt” hàng nghìn tỷ đồng thanh toán các khoản chi. Ảnh minh họa
Do bất cập và không đồng bộ trong các quy định của Nhà nước về quản lý thanh, quyết toán cho dự án BT nên Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đang “mắc kẹt” hàng nghìn tỷ đồng thanh toán các khoản chi. Ảnh minh họa

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 1/2014 và đưa vào khai thác từ tháng 9/2015, do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, áp dụng loại hợp đồng BT, nhà đầu tư là Công ty CP BT20-Cửu Long. Dự án sử dụng vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Các chi phí trong tổng mức đầu tư Dự án được xác định vào tháng 12/2016 là 5.160 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị thanh toán của Dự án được Bộ GTVT xác định vào tháng 3/2018 là 9.456 tỷ đồng. Các chi phí không có trong tổng mức đầu tư Dự án gồm lợi nhuận nhà đầu tư, lãi vay, chênh lệch tỷ giá, chi phí khác trong giai đoạn chờ thanh toán là 4.296 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết, Dự án có 2 hạng mục bổ sung sau khi đưa vào sử dụng là nút giao Dầu Giây (hoàn thành năm 2022) và tuyến tránh TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (tạm dừng thi công từ tháng 10/2020, khối lượng thực hiện đạt 70%). Theo hợp đồng Dự án, thời gian thanh toán vốn ngân sách nhà nước bắt đầu từ tháng 2/2018, mỗi năm 2 kỳ vào tháng 2 và tháng 8, kỳ thanh toán cuối là tháng 2/2029, còn theo phụ lục hợp đồng là mỗi năm thanh toán 2 kỳ vào tháng 3 và tháng 9, kỳ thanh toán cuối là tháng 3/2029. Theo đó, sau khi công trình hoàn thành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thanh toán bằng tiền cho Nhà đầu tư các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ đã được quy định tại hợp đồng Dự án (bao gồm các khoản ngoài tổng mức đầu tư Dự án). Đến nay, lũy kế ngân sách thanh toán cho Dự án kỳ tháng 3/2024 là 4.962 tỷ đồng. Đến kỳ thanh toán tháng 9/2024, giá trị thanh toán vốn ngân sách nhà nước sẽ vượt tổng mức đầu tư Dự án. Bộ GTVT lo ngại, Kho bạc Nhà nước sẽ không cho thanh toán để Nhà đầu tư trả nợ nước ngoài. Trường hợp chậm thanh toán, Tổ chức xếp hạng Moody’s sẽ đánh giá hạ tín nhiệm quốc gia và phát sinh lãi phạt trả chậm.

Theo Bộ GTVT, các tồn tại, vướng mắc trong việc thanh, quyết toán dự án BT nói chung là do các quy định của pháp luật chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Tại thời điểm ký kết hợp đồng Dự án áp dụng quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP: các khoản chi phí nằm trong tổng mức đầu tư thực hiện thanh toán theo quy định pháp luật hiện hành, riêng các khoản chi phí phát sinh sau khi công trình hoàn thành theo quy định tại hợp đồng dự án được thể hiện trong phương án tài chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận với nhà đầu tư trong hợp đồng dự án. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP thì “tổng số vốn thanh toán cho nhiệm vụ, dự án không được vượt tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Do đó, cơ quan thanh toán (Kho bạc Nhà nước) đã từ chối thanh toán các chi phí ngoài tổng mức đầu tư Dự án.

Bộ Tài chính thì cho rằng, để xử lý vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xây dựng và đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo ý kiến của chuyên gia đầu tư PPP, hiện nay, chủ trương định hướng, quy định pháp luật đã không còn hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng tiền nên việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan cho phù hợp với pháp luật về thanh toán, quyết toán hợp đồng BT thanh toán bằng tiền là không cần thiết. Bộ GTVT nên báo cáo Chính phủ cho phép được thực hiện thanh toán cho Nhà đầu tư các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ đã được quy định tại hợp đồng Dự án, phối hợp với Nhà đầu tư quyết toán vốn đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành theo quy định, đồng thời thực hiện thanh lý hợp đồng Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, Bộ đã họp lấy ý kiến của các bộ, ngành, xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, trong đó đề xuất Chính phủ phương án giải quyết vướng mắc về thanh, quyết toán hợp đồng dự án BT bằng cách “bổ sung quy định chuyển tiếp tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP cho phép dự án BT được thanh toán, quyết toán các chi phí lãi vay, lợi nhuận của nhà đầu tư trong thời gian chờ thanh toán. Trường hợp không sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP thì xem xét điều chỉnh tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP”.

Bộ GTVT cho biết, hiện có 4 hợp đồng BT đường bộ thực hiện theo cơ chế Nhà nước thanh toán cho Nhà đầu tư dự án bằng tiền sau khi hoàn thành việc xây dựng, chuyển giao, Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền 3 hợp đồng dự án, trong đó có Dự án Cải tạo Quốc lộ 20 qua Đồng Nai và Lâm Đồng. Với tính chất cấp thiết cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tránh phát sinh các khiếu kiện và chi phí lãi vay tiếp tục tăng…, Bộ GTVT đề xuất, trong thời gian chưa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết, trong đó xem xét phương án cho phép tiếp tục thanh toán vốn ngân sách nhà nước cho các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ theo quy định của hợp đồng Dự án.

Chuyên đề