Dự án BOT cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ: Nhà đầu tư rút lui, địa phương xin vốn của Nhà nước

(BĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản lấy ý kiến của 4 bộ liên quan và UBND tỉnh Phú Thọ về đề xuất của UBND tỉnh Tuyên Quang gửi Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi hình thức đầu tư, hỗ trợ thêm vốn cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài khoảng 40,2 km. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài khoảng 40,2 km. Ảnh: Lê Tiên

Dự án do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường (có địa chỉ tại tỉnh Ninh Bình) đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự án xây dựng mới 40,2 km đường cao tốc và đi qua địa phận 2 tỉnh: Tuyên Quang (11,63 km) và Phú Thọ (28,7 km). Dự án được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Ngày 6/12/2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án với tổng mức đầu tư là 3.271,09 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 510,79 tỷ đồng (gồm 500 tỷ đồng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, 10,79 tỷ đồng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương), còn lại là vốn của nhà đầu tư.

UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, Tỉnh đã gấp rút triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến đến tháng 6/2020 sẽ triển khai lựa chọn nhà đầu tư và tháng 12/2020 sẽ khởi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, hiện nay việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện Dự án cũng như các ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án BOT là rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư quan tâm, đề xuất Dự án là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường xin thôi thực hiện tiếp công tác chuẩn bị Dự án. Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án quan trọng, cấp bách cần phải triển khai ngay để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang và các tỉnh trong khu vực. Vì vậy, để triển khai xây dựng Dự án, đặc biệt trong tình hình các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, cần thiết phải chuyển đổi đầu tư từ PPP sang đầu tư công thuần túy hoặc hỗ trợ thêm nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí thêm 2.600 tỷ đồng vốn cho Dự án và cho phép chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công thuần túy. Trong trường hợp nguồn vốn ngân sách nhà nước không bố trí được 100% để đầu tư bằng hình thức đầu tư công thuần túy, UBND tỉnh Tuyên Quang đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thêm cho Dự án 1000 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện bằng hình thức PPP.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP xây dựng các đoạn tuyến cao tốc sang sử dụng nguồn vốn đầu tư công cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, bởi số vốn đổ vào các dự án này là không hề nhỏ, sẽ tạo thêm gánh nặng, áp lực lớn đối với nguồn ngân sách nhà nước eo hẹp trong bối cảnh hiện nay.

Chuyên đề