Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai trong trạng thái tăng, khi nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cắt giảm lãi suất và Mỹ-Trung sắp nối lại đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ và y tế khiến chỉ số S&P 500 chấm dứt chuỗi ba phiên giảm giá.
Theo hãng tin Reuters, các chiến lược gia nhận thấy rằng giới đầu tư ở Phố Wall có vẻ "chùn tay" sau đợt tăng vững của các chỉ số trong tuần trước. Phiên này, cổ phiếu Microsoft trở thành nguồn áp lực giảm giá lớn nhất lên cả S&P 500 và Nasdaq.
Tài chính là nhóm tăng mạnh nhất trong chỉ số S&P 500, với mức tăng 1,5%, trong đó nhóm ngân hàng tăng 3,2%.
Thị trường hiện gần như tin chắc rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới. Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã có 32 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang.
Kỳ vọng FED hạ lãi suất được củng cố nhờ phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell vào tuần trước. Ông Powell nói FED sẽ "hành động phù hợp" để duy trì tăng trưởng kinh tế. Thị trường xem cụm từ này như một dấu hiệu về một đợt cắt giảm lãi suất sắp diễn ra.
Tuy vậy, vẫn có những chiến lược gia thể hiện quan điểm thận trọng về sự vững vàng của thị trường trong những phiên vừa qua.
"Đây là một dạng của mắt bão", bởi nhà đầu tư đang chờ thêm tin về lãi suất và thương mại - nhà quản lý danh mục Paul Nolte thuộc Kingsview Asset Management nhận xét. Ông Nolte cho rằng để thị trường "tiếp tục tăng điểm cao hơn đáng kể từ ngưỡng hiện nay, cần phả có một chuyển biến nào đó về thương mại".
Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tuần trước chủ yếu nhờ nỗi lo của thị trường về đàm phán thương mại Mỹ-Trung được xoa dịu sau khi hai bên tuyên bố sẽ gặp lại vào đầu tháng 10.
Phiên tăng đầu tuần đưa Dow Jones lên mức chỉ còn cách 2,1% so với mức cao kỷ lục thiết lập vào tháng 7. S&P 500 và Nasdaq hiện đang thấp hơn 1,6% và 3% so với đỉnh cao kỷ lục của mỗi chỉ số.
Tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được kỳ vọng sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mới trong cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Năm.
"Thị trường đang chững lại sau đợt tăng của tuần trước, và cũng đang chờ cuộc họp của ECB", chiến lược gia Quincy Krosby thuộc Prudential Financial nhận định.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,14%, đạt 26.835,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,01%, còn 2.978,43 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,19%, đạt 8.087,44 điểm.
Phát biểu ngày thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói ông không nhận thấy nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ trong lúc Washington nỗ lực khôi phục đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông Mnuchin cũng dự báo kinh tế Mỹ sẽ khả quan trong năm tới.
Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google, có lúc giảm 1% sau khi có tin 50 tổng chưởng lý của các tiểu bang Mỹ tiến hành một vụ kiện chống độc quyền đối với Google. Lúc đóng cửa, cổ phiếu Alphabet giảm 0,1%, trong khi cổ phiếu Microsoft giảm 1,1%, khiến nhóm công nghệ của S&P 500 giảm 0,7%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp gần 1,5 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là hơn 1,5 lần.
Có tổng cộng 7,42 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,77 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.