Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết, trên sổ sách, ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) có một khoản vay cá nhân là 400 tỷ đồng nhưng nhờ người khác đứng tên. Tuy nhiên, tài sản thế chấp cho khoản vay này lại đứng tên ông Vũ.
Và trong năm 2017, khoản nợ 400 tỷ này đã được ông Vũ và những người liên quan thanh toán toàn bộ cho Ngân hàng Đông Á. Ngoài ra, ngân hàng còn thu tất cả các khoản nợ của công ty có liên quan đến ông Vũ. Đây là khoản nợ của những công ty mà ông Vũ có cổ phần.
Ngân hàng Đông Á thời điểm bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Theo ông Tùng, về việc này, nếu cơ quan điều tra kết luận rằng hành vi trên của ông Bình là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á thì ông Bình có trách nhiệm thu hồi và trả lại tiền cho ngân hàng.
Liên quan đến cáo buộc rằng ông Phan Văn Anh Vũ mua cổ phần DongA Bank bằng tiền của chính ngân hàng, vị đại diện này cho biết, nhà băng đang chờ kết luận điều tra chính thức của Cơ quan Cảnh sát điều tra, của Tòa án, của các Cơ quan pháp luật theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay về mặt giấy tờ, ông Phan Văn Anh Vũ và Công ty Bắc Nam 79 vẫn là cổ đông của Ngân hàng Đông Á. Cụ thể, Công ty Xây Dựng Bắc Nam 79 đang sở hữu 50 triệu cổ phần, tương ứng 10% vốn điều lệ (giá trị theo mệnh giá là 500 tỷ đồng) của DongA Bank. Ngoài ra, cá nhân ông Vũ đang sở hữu 2,73% vốn điều lệ, tương đương gần 137 tỷ đồng (theo mệnh giá) vốn góp. Như vậy, tổng số vốn mà ông Vũ lẫn công ty Bắc Nam 79 sở hữu tại Ngân hàng Đông Á là khoảng 637 tỷ đồng.
Từ giữa tháng 8/2015, Ngân hàng Đông Á rơi vào diện kiểm soát đặc biệt. Các cổ đông phải giữ nguyên trạng và không được chuyển nhượng cổ phần. Do vậy đến nay số cổ phần của ông Vũ và Công ty Bắc Nam 79 vẫn đang nằm tại Ngân hàng Đông Á.
Ông Tùng thông tin thêm, Ngân hàng Đông Á đã trình phương án tái cơ cấu hoạt động cho Ngân hàng Nhà nước và hiện cơ quan này trình Chính phủ thông qua. Trong đó, ngân hàng chủ trương tự tái cơ cấu, còn các nhà đầu tư nào muốn tham gia thì làm việc với Ngân hàng Nhà nước, nếu được chấp thuận thì sẽ cùng DongA Bank tái cơ cấu.
Cũng theo vị lãnh đạo này, việc kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đông Á sẽ được dỡ bỏ khi Chính phủ thông qua phương án tái cơ cấu của nhà băng, đồng thời phương án sẽ phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, ông Tùng tái khẳng định, việc truy tố các nguyên lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á không phải phát sinh mới. Đây chỉ là thủ tục truy tố theo trình tự tố tụng trong vụ án đã khởi tố từ cuối năm 2016. "Do đó, những thông tin này không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của DongA Bank hiện tại cũng như trong tương lai", ông nhấn mạnh.