Thi công cầu Thống Nhất thuộc Dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn. Ảnh: Như Nguyệt |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, một phần lớn lượng vốn kế hoạch năm 2024 được Đồng Nai bố trí cho các dự án chuyển tiếp, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án này tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Tỉnh chưa cao.
Cụ thể, nhóm 8 dự án trọng điểm giao thông đều gặp vướng mắc. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 gặp khó về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB. Hiện tại, do vướng mặt bằng thi công nên chưa triển khai thi công đồng loạt. Dự án này cũng thiếu nghiêm trọng cát đắp nền đường và đất đắp.
Tương tự, tại Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai, hiện mặt bằng thi công mới có khoảng 1 km. Dự án Đường ven sông Đồng Nai và Dự án Công viên, kè bờ sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) gặp khó khăn về bố trí tái định cư cho người dân, trong khi việc tính toán tiền thuê nhà ở tạm cư cho các hộ dân đã bàn giao mặt bằng trong thời gian chờ nhận đất tái định cư hiện chưa có quy định cụ thể.
Các dự án lớn khác vướng mặt bằng có thể kể đến: Đường Hương lộ 2, Đường ven sông Cái từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản, Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn.
Ông Nguyễn Đình Long, Giám đốc Công ty TNHH Vân Nga Phát, nhà thầu thi công Dự án Đường ven sông Đồng Nai cho biết, mặt bằng thi công phân tán, còn nhiều vị trí chưa thể giải tỏa, ảnh hưởng rất lớn đến phương án, kế hoạch thi công. Việc thi công kéo dài, ngắt quãng, có thời điểm phải tạm ngưng thi công kéo theo nhiều hệ lụy, thiệt hại cho Nhà thầu.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, đến hết tháng 3/2024, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của nhóm dự án trên rất thấp. Đơn cử, Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 giải ngân đạt 11,95% so với kế hoạch năm (350 tỷ đồng); DATP 3 Xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai giải ngân đạt 9,03% kế hoạch (700 tỷ đồng); Dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn đạt 13,68% kế hoạch (250 tỷ đồng).
Đáng chú ý, 4 dự án có tỷ lệ giải ngân 0% trong 3 tháng đầu năm 2024 đều là các dự án trọng điểm, gồm: DATP 4 Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai (vốn kế hoạch 691 tỷ đồng); Dự án Đường ven sông Đồng Nai, TP. Biên Hòa (vốn kế hoạch 50 tỷ đồng); Dự án Xây dựng kè sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu (vốn kế hoạch 88 tỷ đồng)…
UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm 2024 chưa cao do một số dự án được bố trí vốn khởi công mới đang thực hiện bước thiết kế thi công và dự toán nên khối lượng thanh toán các chi phí tư vấn không nhiều. Các dự án này phải đến quý III mới lựa chọn nhà thầu thi công và giải ngân khối lượng thi công xây dựng. Đặc biệt, các dự án bố trí vốn thực hiện bồi thường, GPMB đang thực hiện thủ tục kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất…, dự kiến đến quý III mới ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường.
Để tháo gỡ nút thắt lớn nhất, Đồng Nai đã triển khai “chiến dịch” 30 ngày, đêm bồi thường, GPMB đối với 3 dự án trọng điểm quốc gia và của Tỉnh gồm: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Đường ven sông Đồng Nai từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản và Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa.
Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND Tỉnh đánh giá, chiến dịch đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng Nai đặt mục tiêu đến hết tháng 6/2024 giải ngân đạt 50% kế hoạch. Như vậy, kết quả giải ngân đến nay còn cách rất xa mục tiêu.
Mặt khác, trong chiến dịch trên, tỉnh Đồng Nai phát hiện khoảng 112 hồ sơ bồi thường thuộc Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại phường Phước Tân (TP. Biên Hòa) có dấu hiệu chỉnh sửa, thay đổi chủ sở hữu, giả mạo chữ ký, tẩy xóa, viết lại giấy mua bán tay, điều chỉnh thời gian sở hữu đất. Thách thức này khiến công tác GPMB càng phức tạp và đặt thêm áp lực cho mục tiêu giải ngân đầu tư công.
Ông Võ Tấn Đức cho rằng, các địa phương, chủ đầu tư cần quyết liệt, chủ động hơn nữa trong việc xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.