Đồng hành cùng đất nước, đổi mới và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bài viết nhan đề “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Báo chí đã đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời chính trong quá trình đổi mới đất nước mà báo chí và đội ngũ những người làm báo nước ta không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt”. Đó là sự ghi nhận những đóng góp của báo chí trong công cuộc đổi mới kinh tế, phát triển đất nước hơn 30 năm qua.
Các vấn đề, khía cạnh, tin tức về đời sống doanh nghiệp đã được phản ánh khá đầy đủ trên báo chí trong những năm qua. Ảnh: Lê Tiên
Các vấn đề, khía cạnh, tin tức về đời sống doanh nghiệp đã được phản ánh khá đầy đủ trên báo chí trong những năm qua. Ảnh: Lê Tiên

Công cuộc đổi mới và vai trò của báo chí

Nhớ lại những năm đầu đất nước bước vào thời kỳ đổi mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, báo chí nước ta cũng được tiếp nhận một luồng gió mới. Nội dung thông tin trên các loại hình báo chí có nhiều đổi mới, hấp dẫn, sinh động, phong phú, nhanh chóng và kịp thời hơn. Bức tranh hiện thực khách quan, chân thật của đất nước và thế giới được phản ánh khá đầy đủ và toàn diện, nhanh chóng. Nhờ vậy mà người dân Việt Nam có hiểu biết nhiều hơn về tình hình thế giới để tiếp tục giao lưu, hội nhập; bạn bè quốc tế cũng hiểu nhiều và đúng hơn đất nước và con người Việt Nam để thúc đẩy hợp tác, đầu tư.

Thời kỳ này, trên thế giới bắt đầu diễn ra quá trình toàn cầu hoá. Nền kinh tế tri thức, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, mạng Internet phát triển mạnh mẽ đã làm biến đổi nhanh chóng bộ mặt thế giới hiện đại - theo cách nói của Thomas L. Friedman - biến thế giới này trở thành “thế giới phẳng”. Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thông của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước và sự nghiệp hoà bình, hợp tác và phát triển của thế giới.

Đặc biệt, trong trào lưu hội nhập quốc tế, báo chí nước ta càng có điều kiện, thời cơ để khai thác, xử lý và cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, đa dạng cho công chúng. Chính điều đó đã giúp công chúng Việt Nam có thêm sự lựa chọn thông tin trong và ngoài nước cho nhu cầu của mình. Có thể nói, đóng góp của báo chí trong giai đoạn đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới đã được thể hiện rất rõ ràng.

Đối với doanh nghiệp (DN), vai trò của báo chí trong thời kỳ ấy đã được ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lúc ấy, đánh giá: phần lớn thông tin mà các DN thu được phục vụ cho kinh doanh là lấy từ báo chí. Hơn thế nữa, báo chí đã đóng vai trò là “gạch nối” nối DN của các nước với nhau, để thế giới thực sự trở thành “thế giới phẳng”.

Điều này xuất phát từ nhu cầu thông tin của các DN ngày càng tăng lên trong bối cảnh Việt Nam mở rộng hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thử hỏi nếu không có thông tin từ báo chí thì các DN sẽ “bơi” như thế nào trong biển lớn ấy? Mặt khác, mỗi DN, ở những mức độ khác nhau, đều có nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình thông qua báo chí. 

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp Việt

Với những đóng góp giúp nâng cao vị thế DN, hình ảnh của doanh nhân trên thương trường và trong xã hội, báo chí thực sự là người bạn đồng hành của DN, chia sẻ những khó khăn với DN, cổ vũ sự sáng tạo, phê phán những trở ngại, “rào chắn” đối với quá trình sản xuất, kinh doanh.
Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp từ năm 1999 và sau này là Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 đi cùng với sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của khối DN. Trong đó, người ta thấy rõ vai trò không thể thiếu trong đồng hành, hợp tác và hỗ trợ DN của báo chí.

Thực ra ngay từ khi chuẩn bị những bản dự thảo đầu tiên của Luật Doanh nghiệp, báo chí đã đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động cho sự ra đời của đạo luật đặc biệt quan trọng này. Bởi chính luật này tạo nên một nền tảng, hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ nhất từ trước cho đến thời điểm năm 1999 cho DN.

Liên tục nhiều năm sau đó, cho đến Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014, dư luận đã thấy sự vào cuộc đấu tranh không mệt mỏi của báo chí trong việc dỡ bỏ giấy phép con, cải cách thủ tục hành chính… để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN tư nhân ra đời và hoạt động. Và suốt từ đó đến nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ DN, người ta dễ dàng nhận thấy hầu hết các tờ báo về kinh tế - chính trị - xã hội, ở tất cả các loại hình báo chí đã tham gia, dành thời lượng rất lớn, vị trí quan trọng trên mặt báo để đưa tin, viết bài về tất cả những vấn đề đáng chú ý, quan trọng, tác động tới sự tồn tại, phát triển của DN.

Có thể thấy, mọi vấn đề, mọi khía cạnh, tin tức về đời sống DN đã được phản ánh khá đầy đủ trên báo chí trong những năm qua. Từ những vấn đề như kinh nghiệm thương trường, mô hình hoạt động, thành công của các DN, doanh nhân thành đạt cho đến những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đều được phản ánh khá đậm nét ở hầu hết các tờ báo. Ở bất cứ hội nghị, hội thảo, tọa đàm nào có nội dung về hoạt động, chính sách, môi trường kinh doanh liên quan đến DN đều có sự tham gia tích cực, đông đảo của báo chí. Mọi vấn đề bức xúc của DN, ở trong bất cứ thời điểm nào đều được phản ánh trên mặt báo.

Qua việc phản ánh đời sống kinh doanh của DN, những thành công, thất bại cũng như những vướng mắc, khó khăn của họ, báo chí đã thực hiện được vai trò rất quan trọng là cầu nối giữa báo chí và Chính phủ: những chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đến DN được phản ánh về cả những tác động tích cực và tiêu cực, để từ đó có những điều chỉnh tích cực, hợp lý.

Với những đóng góp giúp nâng cao vị thế DN, hình ảnh của doanh nhân trên thương trường và trong xã hội, báo chí thực sự là người bạn đồng hành của DN, chia sẻ những khó khăn với DN, cổ vũ sự sáng tạo, phê phán những trở ngại, “rào chắn” đối với quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong tình hình hiện nay, báo chí cần bám sát hơn nữa hiện tình của đất nước, tham gia tích cực vào việc chỉ rõ những yếu kém, nêu giải pháp khắc phục và lối ra cho những vấn đề nổi cộm. Báo chí phải đi đầu trong đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, tiêu cực, tham nhũng và lãng phí; thực hiện minh bạch hóa thông tin, đưa ra ánh sáng mọi việc để cho tiêu cực không còn nơi ẩn nấp và hệ thống chính trị sẽ trong sạch, vững mạnh hơn. Báo chí cũng cần chung tay xây dựng ý thức tự cường, khơi dậy niềm tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần đẩy lùi những thói hư, tật xấu đã và đang làm hạn chế sự phát triển của đất nước.

Chuyên đề