Đồng bộ nhiều giải pháp cứu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư lan nhanh đến rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ. Bên cạnh việc tập trung sức lực để chiến thắng trên mặt trận y tế, mặt trận kinh tế cũng cần được quan tâm bằng những chính sách ngắn và dài hạn giúp doanh nghiệp (DN) trụ vững, sẵn sàng phục hồi sản xuất khi dịch lắng xuống.
Chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng giảm mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng giảm mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp đã yếu nay càng yếu hơn

Thông tin trước Quốc hội về tình hình DN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện có 870.000 DN hoạt động, nhưng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh rất thấp. Trong khi đó, chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng giảm mạnh.

Ngoài ra, chi phí sản xuất đang tăng cao do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí logistics cũng cao hơn so với các nước trong khu vực. Cùng với đó là chi phí lớn cho phòng ngừa Covid-19, tổng cầu trên thế giới giảm mạnh dẫn tới giảm doanh thu. Nhiều DN phải đối diện với rủi ro thu hồi nợ và mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoạt động.

3 tháng đầu năm 2021, có khoảng 60% tổng số DN phát sinh doanh thu. 6 tháng đầu năm 2021, số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường, trong đó có cả những DN quy mô vừa và lớn.

Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) nhận định, sức khỏe của DN đang ngày càng yếu đi, đồng nghĩa với việc động lực cho tăng trưởng suy giảm. Bên cạnh việc tập trung kiểm soát, khống chế tiến tới dập tắt dịch bệnh, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để chiến thắng trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế.

Với tinh thần đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn cho DN, vừa qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, những khó khăn của đại dịch ngày càng thấm sâu vào đời sống người dân và DN, cần có thêm các chính sách mới, cả ngắn và dài hạn để giúp DN trụ vững.

Chính sách hỗ trợ cần thiết thực

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề xuất, việc Chính phủ sớm có gói hỗ trợ lần thứ 2 là cần thiết. Đồng thời, cần rà soát, đánh giá sức chống chịu hiện nay của DN để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Bên cạnh những biện pháp hỗ trợ trực tiếp về tài chính, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị bổ sung thêm nội dung xây dựng các chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi, tái cơ cấu. Lý giải cho điều này, ông Hiếu nhấn mạnh, về mặt dài hạn, nếu như không có chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực thì ngay cả khi được hỗ trợ về mặt tín dụng, nhưng DN không có khả năng hấp thụ thì cũng không thể phát huy được đầy đủ tác dụng của chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, trong Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Quốc hội, đại biểu này đề nghị bổ sung thêm nội dung: "Nhanh chóng bãi bỏ các quy định cản trở đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc gia nhập, rút lui khỏi thị trường, cơ cấu lại DN, thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy mô hình kinh doanh xã hội, hướng tới một nền kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững".

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm Thường trực tiến hành rà soát các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ các thủ tục của tất cả các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.

Ngoài ra, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan kiến nghị các giải pháp, chính sách có thể giãn, hoãn tối đa các khoản thuế, phí phải nộp cho DN. Tập trung hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN tham gia cụm, chuỗi liên kết, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Sửa đổi những quy định hỗ trợ cho Quỹ hỗ trợ DN. Tạo cơ chế “luồng xanh” để lưu thông hàng hóa của DN và người dân. Đẩy nhanh tiêm vaccine cho DN trong các khu, cụm công nghiệp, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú.

Đối với chương trình phục hồi kinh tế mà Chính phủ đã giao cho Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành nghiên cứu, dự kiến sẽ có đề xuất và trình trong quý IV/2021.

Chuyên đề