Donald Trump và dấu ấn truyền thông mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong hơn 33 tháng cầm quyền tính từ khi thắng cử cho tới nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng hơn 11.000 tweet trên trang cá nhân tại mạng xã hội Twitter. Donald Trump trở thành tổng thống đầu tiên xem Twitter là trận địa, là vũ khí chiến đấu với kỹ năng thành thục để đạt các mục tiêu chính sách cả về đối nội và đối ngoại, để lại dấu ấn cá nhân cực kỳ đậm nét.
Ông Trump nhanh chóng vượt qua bà Clinton trên khía cạnh hiện diện tại mạng xã hội, thu hút sự chú ý lớn và xây dựng hình ảnh tốt
Ông Trump nhanh chóng vượt qua bà Clinton trên khía cạnh hiện diện tại mạng xã hội, thu hút sự chú ý lớn và xây dựng hình ảnh tốt

Căn cứ địa Twitter và mạng xã hội toàn cầu

Tương tự như mọi khía cạnh của đời sống hiện đại, Internet nhanh chóng kết nối và đóng vai trò quan trọng vào các chiến dịch chính trị, tạo nên các chiến dịch thông minh, hiện đại.

Có thể nói, Internet, mạng xã hội đã trở thành những bậc thang dẫn tới thành công cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump, tạo nên sức mạnh kết nối nhanh chóng, thường xuyên, cập nhật liên tục với người dân Mỹ.

Sự hiện diện với tần suất cao của Donald Trump trên mạng xã hội không phải ngẫu nhiên. Thực tế, đây là một chiến lược được tính toán cẩn thận và có mục tiêu rõ ràng. Donald Trump đã vận dụng linh hoạt công cụ mạng xã hội để có thể tiếp cận tới mọi cử tri thông qua các phương tiện truyền thông, cho tới máy tính, điện thoại di động và nhiều công cụ khác nữa.

Nhờ tính chất lan toả tự nhiên của mạng xã hội, mọi phát ngôn, tin tức cập nhật từ tài khoản của vị tỷ phú này đều sở hữu lượng thích, chia sẻ và xem rất lớn. Đáng chú ý, việc thường xuyên chia sẻ suy nghĩ, quan điểm về các vấn đề đời sống, chính trị của Donald Trump tạo nên khởi đầu mới của thời đại “dân chủ” thực sự. Có thể nói, vị Tổng thống này đã khởi tạo xu hướng cực kỳ nổi bật trong đời sống chính trị khi thiết lập hệ thống chính trị với các thông tin mở, kết nối trực tiếp với đại bộ phận dân chúng và cho phép cử tri bộc lộ những phản ứng tức thời trước thông tin.

Các chuyên gia đánh giá, chiến dịch tranh cử và quá trình vận hành bộ máy chính trị dưới thời Tổng thống Donald Trump là rất sáng tạo, mở ra con đường mới cho nền dân chủ, khi mỗi chính trị gia đều đứng ở tuyến đầu, sử dụng mạng xã hội như một công cụ kết nối hiệu quả bậc nhất của cuộc sống hiện đại. 

Quảng cáo chính trị

Kể từ đầu thế kỷ 21, Internet đã phát triển nhanh chóng và trở thành trận địa “sống còn” đối với mỗi đảng phái chính trị. Kể từ cuộc bầu cử năm 2000, Dick Morris, chiến lược gia trưởng cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nhấn mạnh tới tính gắn kết giữa Internet và các hoạt động chính trị, với phát ngôn: “Internet sẽ là Quốc hội. Internet sẽ trở thành Nghị viện. Internet chính là cuộc bầu cử”.

Cho tới năm 2008, việc sử dụng email, cùng với mạng xã hội được xem là một trong những công cụ đóng góp chính cho chiến thắng của Tổng thống Barack Obama. “Barack Obama sẽ không trở thành Tổng thống, nếu không có Internet”, Arianna Huffington nhấn mạnh.

Trong kỷ nguyên của Internet, thông tin được truyền tải nhanh hơn, với chi phí rẻ hơn. Trong cuộc bầu cử năm 2008, chiến dịch truyền thông thông qua video trên Youtube của Tổng thống Barack Obama có tổng thời lượng xem hơn 14 triệu giờ, với chi phí ước tính khoảng 47 triệu USD.

Bước tới năm 2016, nước Mỹ chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của Internet và mạng xã hội. Tự nhận mình là “vị tổng thống của đời sống hiện đại”, thành công và sự nổi tiếng của Donald Trump chủ yếu có được nhờ sự hiện diện thường xuyên, liên tục trên mạng xã hội. 40% ngân sách cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump được dành cho việc sử dụng và tiếp cận cử tri thông qua mạng xã hội và các nền tảng truyền thông hiện đại. Bloomberg ước tính, cơ sở dữ liệu thông tin cử tri trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump có giá trị khoảng 100 triệu USD.

Sự hiện diện của Donald Trump trên mạng xã hội được xem là yếu tố đóng góp lớn nhất cho chiến thắng của ông. Riêng trên Facebook, đội ngũ của vị tỷ phú này đã mua ít nhất 100.000 USD quảng cáo trong cuộc bầu cử tháng 11/2016. Theo ước tính của một cựu lãnh đạo Facebook, con số này đủ giúp Donald Trump tiếp cận với ít nhất 126 triệu người dân Mỹ.

Đáng chú ý, Donald Trump không chỉ hiện diện thường xuyên mà còn có chiến lược sử dụng mạng xã hội hiệu quả. Vị tổng thống này sử dụng các dịch vụ mà Facebook cung cấp, bao gồm cả chuyên gia hỗ trợ lan toả thông điệp, nhắm chính xác tới nhóm đối tượng mục tiêu… Dù đối thủ khi đó là bà Hillary Clinton có sử dụng chiến dịch truyền thông trên Facebook, nhưng lại không nhờ cậy tới sự giúp sức từ đội ngũ chuyên gia mạng xã hội này. 

Dồn hết sức trên Twitter

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Twitter là công cụ giúp kết nối trực tiếp với người ủng hộ, sẵn sàng “hơn thua” với các đối thủ, đồng thời bộc lộ rõ nét tính cách và quan điểm chính trị. Tất cả dồn trong một không gian duy nhất.

Đáng chú ý, việc dồn lực trên Twitter phần nào tạo điều kiện cho vị tỷ phú này thường xuyên tiếp cận được với các cá nhân/tổ chức mà không cần quá phụ thuộc vào các phương pháp truyền thông mang tính truyền thống như báo chí, radio, truyền hình - những đối tượng mà ông Trump thường không có được sự thể hiện tốt.

Kể từ khi thắng cử vào tháng 9/2016 tới nay, trung bình mỗi ngày vị tổng thống này đăng 6,7 tweet tại tài khoản cá nhân @realDonaldTrump. Ông thường xuyên lặp lại các cụm từ, từ khoá, định danh một số hoạt động/sự kiện liên quan tới đời sống chính trị, cũng như kinh tế. Điều này khiến việc tìm kiếm các phát ngôn, cũng như mức độ lan tỏa của các phát biểu trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, một trong những cụm từ ưa thích của Donald Trump là “fake news” (tin giả) khi được lặp lại hơn 150 lần trong năm đầu tiên giữ cương vị Tổng thống.

Một thông tin thú vị khác là khoảng 41% các trạng thái cập nhật trên Twitter của ông Trump được đăng tải trong khoảng thời gian từ 5 - 9 giờ sáng, thể hiện vị Tổng thống này thường bắt đầu ngày mới bằng việc sử dụng mạng xã hội và luôn trong trạng thái kích thích, hưng phấn.

Cho tới nay, chưa có vị tổng thống nào khác có thể “thống trị” trên mặt trận truyền thông một cách tự nhiên như cách ông Trump đang thực hiện. Một phần nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng mạng xã hội và biết cách sử dụng thành thục công cụ này.

Trong thời gian tới, sự nghiệp của Donald Trump có thể thay đổi, nhưng ít nhất có một vấn đề được giữ vững: sự hiện diện trên mạng xã hội của ông Trump đã để lại dấu ấn đậm nét, khắc hoạ nên hình ảnh một chính trị gia đặc biệt, đồng thời truyền cảm hứng cho các cuộc bầu cử kế tiếp, nhất là khi mạng xã hội còn thống trị đời sống người dân toàn cầu.

Chuyên đề